Thứ 2, 20/05/2024 05:49:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:48, 07/05/2019 GMT+7

Biểu tượng “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”

Thứ 3, 07/05/2019 | 07:48:00 127 lượt xem
BP - Rạng sáng 4-5, người dân khu vực ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú nhanh chóng đưa tài xế Lương Hoàng Quang, 29 tuổi, quê Gia Lai đến trạm y tế cấp cứu sau khi xe container do anh điều khiển bị lật trên đường ĐT741. Không chỉ bị thương nhẹ, anh Quang còn may mắn nhận được nghĩa cử vô cùng đẹp đẽ của người dân ấp Thuận Hòa 2 chung tay góp sức giúp hốt lại 32 tấn hạt điều bị tung tóe khắp nơi.

Anh Quang cũng như nhiều người hẳn có ấn tượng rất mạnh với những trường hợp “hôi bia”, “hôi dầu” trong sự gào khóc, bất lực của tài xế xe bị tai nạn ở tỉnh Đồng Nai, hay “hôi tiền” của người bị cướp giật nhưng chụp lại được ở TP. Hồ Chí Minh, “hôi áo mưa” ngay trước cổng UBND quận Ba Đình, TP. Hà Nội do Đại sứ quán Hà Lan phát tặng bị hàng trăm người xô nhau tranh cướp... Lượm bia, hốt dầu, giựt áo mưa... tuy khó khăn hơn và cũng dễ “truy cứu”, song tính ra tiền thì chẳng là bao so với hạt điều. Và nếu biết Thuận Lợi, Đồng Phú là xứ sở của cây điều, vừa kết thúc mùa thu hoạch điều, gần như trong nhà nào cũng có điều, nhưng người dân Thuận Hòa 2 đã gom cho người bị nạn và anh Quang sẽ trân trọng hơn sự may mắn của mình.

Không như ở một số nơi, tại Bình Phước chưa từng xảy ra trường hợp “hôi” cái gì của người bị nạn. Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được phát động, không những những trường hợp như thế khó có thể xảy ra, mà đã ươm mầm, nảy nở nhiều hành động đẹp như của người dân Thuận Hòa 2. Hay như ngày 12-4-2018, chị Tạ Thị Liên, 50 tuổi, là nhân viên quán cà phê Vĩ Dạ ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, khi dọn dẹp hết buổi sáng thấy một bịch ni-lon trong hộc bàn, mở ra thấy bọc tiền liền đưa cho chủ quán để trả lại khách. Vợ chồng vị khách may mắn sau đó đã nhận lại bọc tiền bỏ quên còn nguyên vẹn 300 triệu đồng...

Thay vì giúp đỡ, lợi dụng người bị nạn để trục lợi chẳng khác nào cướp giật công khai. Ai cũng biết những hành động đó cần lên án, thậm chí phải bị pháp luật xử lý. Để cái xấu dần bị loại bỏ khỏi xã hội, cùng với lên án, xử lý cái xấu, cần nhân lên cái đẹp trong cuộc sống, làm thế nào để cái đẹp lan tỏa rộng rãi hơn.

Nhân lên hành động đẹp, vật chất chắc chắn không có sức mạnh bằng tinh thần, bằng danh dự. Với những gì đã diễn ra và với phẩm chất của hành động, những người như chị Liên, như người dân khu vực ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi giúp tài xế Lương Hoàng Quang... xứng đáng được ngợi khen và xứng đáng được trao biểu tượng cái đẹp trong cuộc sống. Biểu tượng có thể là một tờ giấy khen hay ấn tượng hơn là một biểu tượng được thiết kế dung dị, ý nghĩa và bền chắc như chính hành động đẹp. Nếu được như thế, nó sẽ dần lan tỏa trong cộng đồng và mang sức nặng, mang ý nghĩa hơn nhiều so với nhiều loại giấy chứng nhận, giấy khen được treo trong hầu hết các gia đình hiện nay mà thực chất có khi lại ngược với sự khen ngợi, sự chứng nhận ấy.

Từ khi loài người xuất hiện, nhu cầu về cái đẹp đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Cái đẹp có quyền tuyệt đối tồn tại phát triển. Cái đẹp là chuẩn mực, là thước đo phổ biến trong mọi lĩnh vực sống. Chỉ từ cái đẹp mới có thể phủ định cái xấu. Và giá trị của biểu tượng “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” mang lại sẽ gấp nhiều lần chi phí làm ra, trong cộng đồng có lẽ sẽ có không ít người, không ít doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ làm biểu tượng ấy.

Trần Phương

  • Từ khóa
109096

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu