Thứ 2, 20/05/2024 07:26:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:54, 18/04/2019 GMT+7

Thêm định hướng cho ngành du lịch

Thứ 5, 18/04/2019 | 08:54:00 111 lượt xem
BP - Phát biểu tại Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 3 chữ “C” gồm: “Con người - Cơ sở hạ tầng và Chiến lược”. 3 chữ “C” được giới chuyên môn đánh giá là sự định hướng rất có giá trị của người đứng đầu Chính phủ trong bối cảnh du lịch nước nhà đang loay hoay tìm lối đi để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2018 là năm thành công đối với du lịch Việt Nam khi cả nước đón tiếp 15,6 triệu lượt khách quốc tế và hơn 80 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu hơn 620.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực, du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế dù các cấp, ngành hữu quan đã thường xuyên quảng bá hình ảnh, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, lễ hội văn hóa... nhưng vẫn chưa ghi được dấu ấn đối với du khách quốc tế. Nhiều cung cách làm ăn cẩu thả, thiếu tổ chức, nạn “chặt chém”, “cò mồi”, níu kéo du khách để bán hàng, xin ăn, móc túi... vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Một số địa phương, cơ sở lưu trú, hạ tầng dịch vụ không được đầu tư nâng cấp và hướng dẫn viên chưa được đào tạo bài bản...

Là tỉnh “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới”, Bình Phước có rất nhiều thế mạnh để phát triển ngành du lịch, nhất là các loại hình dã ngoại, du khảo về nguồn, sinh thái và các địa chỉ đỏ... Năm 2017, các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã đón tiếp 88.012 lượt khách tham quan. Năm 2018, toàn tỉnh đón tiếp 445.748 lượt du khách đến tham quan với doanh thu 365,7 tỷ đồng. Cũng như cả nước, du lịch Bình Phước đang gặp không ít khó khăn để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều khu du lịch được quy hoạch nhưng thiếu vốn đầu tư đã trở nên hoang hóa và xuống cấp như khu du lịch hồ suối Lam. Một số địa chỉ có tiềm năng như núi Bà Rá, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, trảng cỏ Bù Lạch... nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Nhiều công trình như hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng, Phước Hòa; sông Bé, sông Đồng Nai... chưa được đầu tư về du lịch. Đặc biệt, là tỉnh vùng sâu, xa nên cơ sở hạ tầng của Bình Phước còn nhiều yếu kém, chưa tạo đà cho hạ tầng kỹ thuật ngành du lịch phát triển theo. Một khó khăn nữa là nguồn nhân lực làm du lịch ở Bình Phước còn yếu và thiếu đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành... Những yếu tố nêu trên đã làm cho Bình Phước không khai thác được lợi thế của mình trong hoạt động du lịch nên doanh thu hằng năm của ngành chỉ đạt một phần rất khiêm tốn trong tổng thu ngân sách của tỉnh.

Với định hướng 3 chữ “C” của Thủ tướng, Bình Phước cần tích cực đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch. Nguồn nhân lực ở đây không chỉ là hướng dẫn viên mà là sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Bởi ngoài đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp thì những người chạy xe ôm, chị bán hàng quán, tài xế lái taxi... đến người dân trong vùng phải là những “hướng dẫn viên thiện chí”. Xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh, mến khách, không có cảnh bắt chẹt, “chặt chém”, chụp giật, chèo kéo để bán hàng rong hay xin tiền. Bên cạnh đó, ngoài thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư về du lịch, tỉnh cần tăng cường đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối các khu vực, địa chỉ du lịch giúp việc đi lại thuận lợi. Đồng thời, cần phải hoạch định rõ ràng các chiến lược về phát triển ngành trong từng giai đoạn. Hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải các công trình, quy hoạch tràn lan các khu du lịch dẫn tới sự lãng phí, kém hiệu quả.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109089

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu