Thứ 2, 20/05/2024 06:26:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:44, 09/04/2019 GMT+7

Tăng “sức đề kháng” cho giới trẻ

Thứ 3, 09/04/2019 | 09:44:00 113 lượt xem
BP - Tại buổi làm việc với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày 20-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Trong bối cảnh môi trường mạng, nhất là mạng xã hội có nhiều đối tượng bất mãn, suy thoái, lôi kéo thanh niên, có nhiều thông tin tiêu cực bịa đặt làm ảnh hưởng đến niềm tin của thanh niên thì đoàn có sứ mệnh lớn lao để làm sao thanh niên có “sức đề kháng” tốt trước những vấn đề này”.

Quả thật, chưa bao giờ vấn đề giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, nhất là việc quản lý lớp trẻ trong môi trường mạng ở nước ta lại “nóng” như hiện nay. Theo số liệu mới nhất, Việt Nam hiện có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% số dân và là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng các trang mạng xã hội. Trong đó, thanh, thiếu niên là đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều và thường xuyên.

Và lợi dụng internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị, lực lượng cực đoan ở nước ngoài đã tán phát những thông tin, video/clip có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguy hiểm hơn, thông qua internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch đã gieo rắc vào thế hệ trẻ những thông tin xấu, độc, khiến một bộ phận lớp trẻ bị cuốn vào lối sống xa lạ với bản sắc dân tộc, thực hiện những hành vi quái dị, vô văn hóa, lệch lạc về hành vi, tư tưởng thực dụng, bàng quan, vô cảm với tình hình của đất nước. Cũng từ mạng xã hội, một số người trẻ còn bị đối tượng xấu lôi kéo, mua chuộc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như các đối tượng đã bị xử lý trong vụ bạo động ở tỉnh Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh... thời gian qua; hay sự lệch chuẩn xã hội từ vụ việc Ngô Bá Khá (Khá “bảnh”) mà mạng xã hội chính là môi trường tạo cho những nhân vật như Khá “bảnh” có cơ hội thể hiện... Chỉ khi báo chí đồng loạt đưa sự việc, nhiều bậc làm cha, làm mẹ mới giật mình biết rõ “thần tượng”, “người mẫu lý tưởng” của con em mình là ai.

Những vụ việc vừa qua, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng giới trẻ đang thiếu những hình mẫu, giá trị tiêu biểu, điển hình để học và làm theo; hay công tác giáo dục, tuyên truyền của nhà trường, tổ chức đoàn, hội... chưa thực sự hấp dẫn, còn mang tính lý thuyết, giáo điều? Hoặc đang có một “Lỗ hổng lệch chuẩn” như trong bài viết của tác giả Trần Phương đăng trên Báo Bình Phước số ra ngày 3-4-2019.

Cũng tại buổi làm việc với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày 20-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương giao Trung ương Đoàn xây dựng 2 đề án về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu nhi trên không gian mạng và phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đang cân nhắc việc sắp xếp lại chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường cho học sinh, sinh viên ở các cấp học. Tuy nhiên, mỗi phút, mỗi giây trên môi trường mạng là vô cùng lớn, chỉ cần click chuột là hàng trăm, hàng triệu thông tin sẽ hiện ra, ảnh hưởng ngay đến nhận thức, hành vi của người tiếp nhận.

Do vậy, sớm nhất có thể, mỗi gia đình, nhà trường, đặc biệt là tổ chức đoàn, hội cần trang bị cho giới trẻ những kiến thức cần thiết, làm chủ thông tin, tạo được “sức đề kháng”, “miễn nhiễm” trước thông tin xấu, độc hại khi tham gia môi trường internet, mạng xã hội.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
109083

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu