Thứ 2, 20/05/2024 09:38:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:32, 04/04/2019 GMT+7

Không thể dung dưỡng cái ác trong trường học

Thứ 5, 04/04/2019 | 09:32:00 111 lượt xem
BP - Dư luận cả nước ủng hộ việc cách chức Ban giám hiệu, Chi ủy, Tổng phụ trách đội... Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) vì đã bao che, nương nhẹ trong vụ việc một nữ sinh lớp 9 bị 5 học sinh khác bạo hành dã man. Bởi ở bất kỳ đâu nếu còn bao che, dung dưỡng những điều dối trá thì ở đó cái ác, bạo hành vẫn có đất sống.

 Ngày 29-3 vừa qua, clip một học sinh nữ lớp 9, Trường THCS Phù Ủng bị 5 bạn học bạo hành đã được phát tán trên mạng xã hội. Đây không phải lần đầu tiên nữ sinh này bị đánh đập. Trước đó, nữ sinh này cũng đã bị bạo hành hết sức dã man. Điều đáng nói, sau khi bị đánh đập nữ sinh này đã báo với giáo viên chủ nhiệm lớp, thế nhưng, cô giáo chủ nhiệm chỉ nhắc nhở theo kiểu qua loa đại khái. Và hệ lụy của sự dung túng, bao che này là vụ việc bạo hành vào chiều 22-3. Đặc biệt, sau khi clip được phát tán, nhà trường cũng không hề có một động thái tích cực nào để xử lý mà chỉ động viên học sinh xóa clip để không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của trường. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, vị hiệu trưởng này mới thừa nhận và đình chỉ học tập các nữ sinh gây ra vụ bạo hành.

Vụ việc nêu trên đã làm cho nhiều phụ huynh bị sốc bởi sự vô cảm của giáo viên chủ nhiệm, của vị hiệu trưởng. Vì những người này cho rằng, chỉ nên xử lý theo hướng kỷ luật, không nên hình sự hóa vụ việc. Bởi hình sự hóa sẽ làm tổn thương 5 nữ sinh đã gây ra vụ bạo hành. Họ viện dẫn, ở lứa tuổi học trò là sự tinh nghịch và dễ xảy ra va chạm nên việc đánh nhau là chuyện thường. Do đó, chỉ cần kỷ luật và nâng cao giáo dục các kỹ năng sống, đạo đức cho học sinh để phòng ngừa hơn là việc hình sự hóa các vụ bạo lực học đường. Thế nhưng, đây cũng là ý kiến mang tính bao che, lấp liếm và dung túng cho cái ác trong môi trường giáo dục. Bởi theo quy định tại Điều 12, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về một số hành vi của mình, trong đó có các tội như giết người, cố ý gây thương tích... Hơn nữa, nếu chỉ xử lý kỷ luật thì không đủ sức răn đe, ngăn ngừa các tội ác, đặc biệt trong bối cảnh bạo hành học đường đang diễn ra phức tạp.

Thời gian trước, tại một trường THCS ở thành phố Đồng Xoài đã xảy ra vụ việc 2 nữ sinh lớp 8 vì ghen tuông nên hẹn nhau ra công viên “đánh nhau sứt đầu mẻ trán”. Nhà trường cũng xử lý bằng cách ém nhẹm thông tin và động viên phụ huynh cho con em mình chuyển sang học ở trường khác. Năm sau, cũng chính ở ngôi trường này đã xảy ra vụ việc 1 học sinh nam bị đánh vì liên quan đến chuyện yêu đương 1 nữ sinh trong lớp.

Vậy nên, việc cách chức Ban giám hiệu, Chi ủy, Tổng phụ trách đội... ở Trường THCS Phù Ủng được đánh giá là biện pháp mạnh của Hưng Yên trong việc ngăn chặn và chấm dứt nạn bạo lực học đường. Hơn thế nữa, để môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, trước hết thầy cô phải nhận thức được sự nghiêm trọng của bạo lực học đường và xử lý nghiêm để răn đe chứ không thể qua loa đại khái, che giấu cái ác hoặc lấp liếm, dung dưỡng điều dối trá thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109080

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu