Thứ 2, 20/05/2024 08:38:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:56, 29/03/2019 GMT+7

Ổn định tâm lý - động lực phát triển

Thứ 6, 29/03/2019 | 14:56:00 107 lượt xem

BP - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại phiên họp toàn thể lần thứ 17 sáng 26-3 đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, các đại biểu quan tâm nhiều tới việc tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành. Vấn đề thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới đã được bàn thảo thấu tình, đạt lý.

Chính phủ đề xuất 2 phương án gồm: Phương án 1, tất cả trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Phương án 2, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn. Và đa số đại biểu tán thành với phương án 2. Vì việc quy định theo phương án 2 sẽ bảo đảm ổn định tâm lý cho viên chức. Đồng thời tránh được cơ chế “xin - cho” vốn tồn tại trong thực tế lâu nay. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, cùng với việc sửa đổi chế độ hợp đồng theo hướng này cần điều chỉnh các quy định có liên quan bảo đảm cơ chế có “đóng”, có “mở”; đề cao vai trò của người sử dụng lao động lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc thông qua đánh giá, phân loại; làm động lực để người lao động được tuyển dụng luôn phải nỗ lực, cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc.

Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị đóng vai trò hết sức quan trọng. Đó là nhân tố quyết định thành - bại của tổ chức đó; đồng thời đánh giá công tác quản trị nhân sự tại cơ quan, đơn vị. Suy cho cùng, muốn tổ chức phát triển thì phải gắn với chính sách thúc đẩy sự nỗ lực, cố gắng từ chính mỗi cá nhân. Nghĩa là các nhà quản lý phải tạo ra cơ chế, chính sách, đãi ngộ để góp phần thúc đẩy người lao động hăng say làm việc, nâng cao năng suất lao động nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Với mỗi người lao động, mong muốn có được công việc ổn định luôn xuất phát từ nhu cầu ổn định cuộc sống. Từ ổn định tâm lý, người lao động mới phát huy hết khả năng của bản thân; nỗ lực học hỏi, thể hiện sở trường, năng lực; phấn đấu mạnh mẽ hơn để đạt thành tích cao trong lao động. Đó còn là nền tảng quan trọng quyết định sự sáng tạo, cống hiến của mỗi viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 để đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Hy vọng, phương án 2 đưa ra được sự đồng thuận nhất trí của các đại biểu sẽ sớm đi vào cuộc sống; mở ra cơ hội mới cho người lao động, tạo tâm lý ổn định trong công việc, gắn với lòng tin để họ gắn bó với công việc và nơi làm việc. Ổn định cuộc sống, yên tâm công tác còn góp phần tạo ra lớp công chức, viên chức vừa hồng vừa chuyên, có phẩm chất chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ sâu, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

An Nhiên

  • Từ khóa
109076

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu