Thứ 2, 20/05/2024 04:53:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:29, 26/03/2019 GMT+7

Bồi đắp lòng yêu nước

Thứ 3, 26/03/2019 | 09:29:00 111 lượt xem

BP - Trong tuần này sẽ diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền về biển đảo và biên giới đất liền giữa Tỉnh ủy Bình Phước với Đảng ủy Quân chủng Hải quân. Cùng với đó, nhiều hoạt động tìm hiểu lịch sử, tuyên truyền, cổ động, biểu diễn nghệ thuật về biển đảo và biên giới cũng được tổ chức tại Bình Phước. Đây là chương trình phối hợp tuyên truyền hướng về biển đảo và biên giới vô cùng ý nghĩa khi Bình Phước là tỉnh biên giới giáp với nước bạn Campuchia.

Việt Nam có vùng biển rộng lớn. Lãnh hải trên biển Đông của nước ta gấp hơn 3 lần diện tích tự nhiên trên đất liền, rộng hơn 1 triệu km2, với nhiều quần đảo, đá, bãi đá. Biển đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Biển đảo là nơi người Việt bao đời làm ăn sinh sống, là cửa ngõ hướng ra thế giới của Việt Nam. Biển đảo được cha ông ta dày công khai phá, quản lý từ hàng ngàn năm trước và truyền lại cho các thế hệ sau. Vì thế, chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam về “vạn lý Trường Sa” - cách cha ông ta gọi tên về dải đảo dài hàng vạn dặm trên biển Đông nối từ quần đảo Hoàng Sa với quần đảo Trường Sa là không thể tranh cãi. Điều đó được khẳng định trên cơ sở pháp lý, trong đó có các bản đồ, tài liệu ghi chép sử học và cả thực tế người Việt xác lập chủ quyền, tiến hành khai thác từ bao đời nay.

Trên đất liền, nước ta đã hoàn tất việc phân định ranh giới và cắm mốc biên giới với các quốc gia láng giềng. Biển đảo cùng với đất liền hợp thành phạm vi chủ quyền, không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững. Như vua Trần Nhân Tông cảm khái trên đường trở về Thăng Long sau khi giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân xâm lược Nguyên - Mông: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng”, nền độc lập và cương thổ đất nước của dân tộc Việt Nam là không thể thay đổi, là bất biến. Đó còn là niềm tự hào của những ai mang trong mình dòng máu Việt Nam, là sự ngưỡng mộ của bạn bè thế giới với dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, đất nước ta hòa bình và ngày càng phồn thịnh. Thế nhưng gần đây, khu vực biển Đông xảy ra tranh chấp giữa một số quốc gia. Trên biên giới đất liền vẫn tiềm ẩn nguy cơ do thế lực thù địch hay những kẻ hiếu chiến ngấm ngầm phá hoại. Thế hệ trẻ đang hòa nhập với thế giới ngày một mạnh mẽ hơn, giành nhiều thành tựu hơn trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, phát triển kinh tế... Song như giáo sư Cao Huy Thuần, người Pháp gốc Việt, là giáo sư, tiến sĩ chính trị học Đại học Picardie của Pháp từng khẳng định: “Ngoại xâm đâu chỉ là lấn đất, lấn biển mà nó còn lấn cả cái đầu”. Hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân lúc này cần được trang bị đầy đủ kiến thức hơn, tự hào hơn về lịch sử, về chủ quyền quốc gia. Từ đó nhân lên sức mạnh dân tộc, đồng thời cũng cảnh giác, sẵn sàng đập tan những âm mưu chia rẽ dân tộc, ru ngủ ý chí người Việt của các thế lực thù địch.

Để có non sông tươi đẹp “nghìn thuở vững âu vàng”, bao thế hệ cha ông đã phải đổ xương máu cũng như không ngừng có chính sách, chiến lược, sách lược trên tất cả lĩnh vực phù hợp với thực tiễn từng thời điểm. Tuyên truyền về biển đảo và biên giới đất liền là sự bồi đắp lòng yêu nước vô cùng thiết thực lúc này.

Trần Phương

  • Từ khóa
109074

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu