Thứ 2, 20/05/2024 05:19:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:04, 13/03/2019 GMT+7

Nhận thức đúng, hành động đúng

Thứ 4, 13/03/2019 | 09:04:00 105 lượt xem

BP - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2019. Trong đó, mục tiêu đầu tiên của chương trình đưa ra là tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về THTK, CLP, đưa công tác này đi vào thực chất với những kết quả cụ thể. THTK, CLP được thực hiện trên tất cả lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trước hết là siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; tiết kiệm 10% chi thường xuyên; tiếp tục cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình, trừ công trình quan trọng quốc gia, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương...

THTK, CLP luôn là vấn đề thời sự, không bao giờ cũ ở mọi quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, THTK, CLP nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực, góp phần hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội... Với nhiệm vụ trọng tâm đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8% trong năm 2019 thì THTK, CLP càng đòi hỏi cấp bách hơn bao giờ hết. Trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, nhất là từ thời kỳ đổi mới đến nay, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về THTK, CLP đã ban hành và được nâng lên thành luật (Luật THTK, CLP năm 2013). Tuy nhiên, lãng phí vẫn là căn bệnh đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, ở đâu cũng có và rất dễ bắt gặp. Nào là lãng phí về thời gian tại các cơ quan hành chính do đi trễ, về sớm; lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc; lãng phí trí tuệ, chất xám;... gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Trước đây, dư luận xôn xao với một báo cáo về đầu tư công: Hơn 10 năm qua, cả nước đã thực hiện đầu tư công 28 khu kinh tế cửa khẩu, 267 khu công nghiệp, 20 cảng quốc tế, 22 sân bay dân dụng, 1.757 dự án về các lĩnh vực giao thông, thủy lợi... với tổng mức đầu tư gần 444.000 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều dự án kém hiệu quả khi đưa vào vận hành, khai thác. Đặc biệt, một ví dụ điển hình về sự phung phí tiền của nhà nước là Dự án nạo vét, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn từ 72 tỷ đồng ban đầu lên tới 2.595 tỷ đồng khi thanh quyết toán, tức lên gấp 36 lần nhưng vẫn dở dang, chậm tiến độ.

Sinh thời, Bác Hồ từng nói 3 căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu “đều là kẻ thù của nhân dân”. Ngay từ khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu Chính phủ có chương trình hành động thật cụ thể để THTK, CLP. Hằng năm, Chính phủ đều ban hành chương trình hành động. Và việc nâng cao nhận thức về THTK, CLP trong các chương trình hành động luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu, vì có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Chương trình hành động có thực sự hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhận thức, ý chí của người đứng đầu. Nếu cả nước biết sử dụng hiệu quả từng đồng vốn, quỹ thời gian, sức lực, trí tuệ xuất phát từ trách nhiệm của từng cấp, ngành, từng cán bộ, đảng viên, nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lan tỏa ra mỗi người dân thì đó là nội lực mạnh, thúc đẩy sự phát triển và phồn vinh của đất nước. Đặc biệt là trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Thanh Ngọc

  • Từ khóa
109065

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu