Thứ 2, 20/05/2024 07:47:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:47, 06/03/2019 GMT+7

Chống dịch phải như chống giặc

Thứ 4, 06/03/2019 | 09:47:00 103 lượt xem

BP - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) với 63 tỉnh, thành ngày 4-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các cấp, ngành cùng doanh nghiệp, người chăn nuôi “phải chống dịch như chống giặc”. Đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP. Đặc biệt, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Tính đến ngày 3-3, DTLCP đã xảy ra tại 202 hộ chăn nuôi thuộc các tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh đã tiêu hủy hơn 4.200 con, tương đương 297 tấn. Như vậy, chỉ trong 1 tháng đã có 7 tỉnh, thành phố nhiễm DTLCP, cho thấy tốc độ lây lan của dịch nhanh “chóng mặt”. Theo ngành chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến DTLCP lây lan nhanh là do môi trường chăn nuôi không được vệ sinh nghiêm ngặt, thức ăn dư thừa cho lợn không được xử lý đúng cách... Hiện có rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Úc, Đài Loan... nghiêm cấm, thậm chí phạt rất nặng nếu du khách Việt Nam đưa thịt lợn và những sản phẩm chế biến từ lợn vào để tránh dịch.

Trước khi DTLCP tràn vào Việt Nam, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã đồng loạt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn tổ chức mới đây, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Tuy nhiên, do DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người nên nhiều người dân vì lợi ích trước mắt, vì giá lợn hơi những tháng đầu năm cao nên không quan tâm đến những tác hại của dịch mà vẫn lén lút buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc. Mặt khác, chăn nuôi ở nước ta hiện phần lớn vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, lại không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, nhất là tình trạng sử dụng thực phẩm thừa trong chăn nuôi khá phổ biến. Đáng báo động hơn, do chênh lệch giá lợn hơi giữa các tỉnh phía Nam và phía Bắc nên đã có số lượng lớn lợn được nhập từ các tỉnh, thành miền Bắc, Trung vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ.

Hiện chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn đang là thế mạnh của Bình Phước. Toàn tỉnh có tổng đàn lợn trên 400 ngàn con, trong đó khoảng 60 ngàn con nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ. Trước tình trạng DTLCP bùng phát và ngày càng lan rộng thì nguy cơ đối mặt với đại dịch của người nuôi lợn ở Bình Phước là khó tránh nếu không kiểm soát tốt tình hình. Để tránh lây lan dịch bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với người chăn nuôi, bên cạnh việc chủ động ứng phó và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp và ngành chức năng trong tỉnh cần quyết liệt trong kiểm soát dịch, nhất là ở các tuyến đường trọng yếu ra vào tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh giám sát buôn bán thịt và các sản phẩm từ thịt lợn; xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm; tăng cường truyền thông cho người chăn nuôi, vận chuyển buôn bán để họ chung tay phòng chống dịch...

Lâm Phương

  • Từ khóa
109060

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu