Thứ 2, 20/05/2024 08:59:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 04/03/2019 GMT+7

Vẽ rắn thêm chân

Thứ 2, 04/03/2019 | 09:30:00 118 lượt xem
BP - Học sinh lớp 12 đang bắt đầu bước vào thời điểm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Nhiều năm qua, song hành với sự cải tiến nhiều khi không tiến mà lại lùi của ngành giáo dục, đã có bao học sinh bước vào các kỳ thi THPT quốc gia với “trăm mối tơ vò” từ hình thức tổ chức, nội dung, quy chế... cho đến sử dụng kết quả thi. Năm nay, khoảng 1 triệu học sinh lớp 12 cùng với gấp nhiều lần con số ấy là phụ huynh, người thân và những người quan tâm tới ngành giáo dục lại đang băn khoăn với một vấn đề khá mới liên quan đến kỳ thi này.

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi do Bộ GD-ĐT soạn thảo đang lấy ý kiến nhân dân và sẽ được trình Quốc hội xem xét thời gian tới. Trong số rất nhiều quy định của dự thảo được cả xã hội quan tâm một cách đặc biệt, có quy định khiến hàng triệu người băn khoăn như đã nêu: “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nếu có nhu cầu” (Điểm 3, Điều 32).

Nếu như vậy, sẽ có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (nếu thí sinh cần, sau khi đã học hết chương trình THPT theo quy định mà không dự thi THPT quốc gia hoặc thi không đậu, không được cấp bằng). Phần quy định mới này chỉ có 21 chữ và thoáng qua tưởng như không “nghiêm trọng”, chỉ là thêm một giải pháp cho người học thuận lợi hơn sau bao năm đèn sách. Thế nhưng, ngẫm kỹ thì không phải như thế.

Trước tiên, với quy định đó, tất cả các quy định khác trong toàn xã hội có liên quan đến bằng tốt nghiệp THPT hay THCS, đều phải sửa đổi hoặc bổ sung (quy định kiểu như vậy nhiều vô kể, ở đâu, lĩnh vực nào cũng có và nhiều nhất có lẽ ngay chính trong ngành giáo dục, lĩnh vực giáo dục). Bởi nó không khác gì ngành giáo dục thừa nhận một bậc nữa trong các thang bậc trình độ học vấn, và tờ giấy chứng nhận ấy nằm ở giữa hai bằng tốt nghiệp THCS - THPT. Thậm chí, cả trong đời sống xã hội hay góc độ khoa học giáo dục, có thể xem nó như một loại “bằng”, mà chưa biết giá trị của nó tương đương bậc nào. Còn với người học, một câu hỏi mới nảy sinh: Tương lai với kế hoạch của mình, họ cần (chỉ cần) có bằng hay giấy tờ gì thì sẽ đạt được mục tiêu?...

Thời gian qua có quá nhiều ý kiến về việc nếu kỳ thi THPT quốc gia tổ chức và cho kết quả như những năm gần đây (gần 100% đậu và được cấp bằng tốt nghiệp) thì nên bỏ. Thay vào đó kiểm soát chặt chẽ, nếu hoàn thành học THPT là cấp bằng tốt nghiệp như việc cấp bằng tốt nghiệp THCS hiện nay, còn tuyển sinh đại học, cao đẳng tổ chức kỳ thi khác hoặc do các trường tự lựa chọn phương án tuyển sinh theo mục tiêu của mình. Phải chăng từ áp lực đó, ngành giáo dục dự thảo luật đã đưa ra quy định về “giấy chứng nhận” ấy? Nếu thế thật chắp vá, chẳng khác nào “đẽo cày giữa đường”, “vẽ rắn thêm chân”, làm cho rắc rối hơn. Những sửa đổi, cải tiến kiểu như vậy không biết đến bao giờ mới dừng. Học sinh, giáo viên và cả phụ huynh còn tiếp tục chóng mặt dài dài theo sự thay đổi ấy.

Một quy định được sinh ra không những ảnh hưởng đến nhiều quy định khác, mà còn chẳng giúp ích gì, thậm chí thêm rắc rối cho quản lý xã hội, thật đúng với câu thành ngữ “vẽ rắn thêm chân” và cũng chẳng khác gì chuyện ngụ ngôn về câu thành ngữ ấy.

Trần Phương

  • Từ khóa
109059

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu