Thứ 2, 20/05/2024 04:29:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:32, 16/02/2019 GMT+7

Không thể chủ quan

Thứ 7, 16/02/2019 | 09:32:00 108 lượt xem
BP - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị số 557/CT-BNN-TCLN ngày 25-1-2019 về tăng cường ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải bố trí lực lượng trực canh phòng, kiểm soát chặt chẽ những khu rừng có nguy cơ cháy cao 24/24 giờ trong suốt thời kỳ cao điểm.

Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến nắng nóng xuất hiện cục bộ kéo dài và làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã xảy ra những vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn về người và của. Tại nước ta, trong năm 2016, hỏa hoạn đã thiêu rụi hơn 3.000 ha rừng. Năm 2017, toàn quốc xảy ra 182 vụ cháy rừng gây thiệt hại hơn 350 ha. Trong năm 2018, tuy chưa có số liệu chính thức nhưng nhiều tỉnh như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Gia Lai, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên... cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Hầu hết các vụ cháy rừng ở nước ta tuy không gây thiệt hại lớn, nhưng đã để lại nhiều bài học sâu sắc về ý thức của người dân trong việc phòng, chống cháy rừng. Bởi, bước vào mùa khô, nhiệt độ ở một số địa phương trong cả nước tăng cao từ 40-410C, kết hợp với gió Tây Nam làm cho thảm thực vật bị chết khô dễ bắt lửa.

Là tỉnh còn nhiều diện tích rừng, những năm qua, các cấp chính quyền ở Bình Phước đã làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng nên đã không xảy ra vụ cháy nghiêm trọng. Trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy làm chết 6 người và bị thương 2 người, ước tính thiệt hại khoảng 8,2 tỷ đồng nhưng hầu hết là các vụ cháy ở khu dân cư, không có cháy rừng. Tuy nhiên, Bình Phước đang là thời kỳ cao điểm của mùa khô, đây cũng là thời điểm thu hoạch xong vụ điều và mùa cao su thay lá nên người dân vệ sinh vườn rẫy bằng cách đốt lá cây nên dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao. Do đó, các cơ quan chức năng không thể chủ quan, lơ là mà cần phải nâng cao ý thức về phòng, chống cháy rừng.

Vì vậy, ngoài việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn và giải quyết căn bản các điểm nóng về cháy rừng cần được thực hiện nghiêm, hiệu quả, quyết liệt theo quy định của Luật Lâm nghiệp. UBND các cấp cũng cần có chỉ đạo nghiêm đối với các đơn vị chức năng trong việc xóa bỏ các điểm nóng về cháy rừng; đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức lực lượng canh phòng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có nguy cơ cháy cao và thực hiện tốt quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các lực lượng liên ngành kiểm lâm, công an, quân đội để ứng phó kịp thời các tình huống cấp bách xảy ra.

Tuy nhiên, để hạn chế tối đa về nạn cháy rừng, các cấp chính quyền cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân. Còn người dân phải nêu cao ý thức không được vào rừng đốt lửa săn bắt ong, nấu nướng bừa bãi; đốt lửa vệ sinh vườn rẫy phải khoanh vùng và có người canh giữ để phòng ngừa thảm họa. Đặc biệt, khi vào rừng người dân cần phải hạn chế hút thuốc lá, nếu hút thì phải dập tắt tàn thuốc trước khi xả ra môi trường. Còn tại thành phố Đồng Xoài, nghiêm cấm các hành vi đốt cỏ, rác và thả đèn trời để hạn chế, phòng ngừa hỏa hoạn.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109049

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu