Thứ 2, 20/05/2024 02:22:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:00, 13/02/2019 GMT+7

Thêm giải pháp chống buôn lậu thuốc lá

Thứ 4, 13/02/2019 | 10:00:00 98 lượt xem

BP - Từ đầu năm 2018 đến nay, mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhưng tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm. Năm 2018, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 348 vụ, xử lý 215 vụ buôn thuốc lá lậu, phạt tiền 550 triệu đồng, tịch thu 10.727 gói thuốc lá điếu nhập lậu các loại. Riêng đợt cao điểm (trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi - thời gian từ ngày 15-12-2018 đến 9-2-2019), ngành đã kiểm tra 17 vụ, xử lý 17 vụ, phạt tiền 49,25 triệu đồng và tịch thu 595 gói thuốc lá điếu nhập lậu các loại.

Nguyên nhân là do địa bàn biên giới của tỉnh dài và rộng với nhiều đường mòn, lối mở qua lại và lực lượng chức năng “mỏng” không thể kiểm soát, giám sát hết; còn phương tiện, công cụ hỗ trợ, trang bị phục vụ công tác phòng, chống buôn lậu còn thiếu, lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong khi đối tượng buôn lậu lại hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, như: Chia nhỏ hàng hóa cho nhiều đối tượng; lợi dụng đi đường vòng, đường tắt; sử dụng xe môtô phân khối lớn; cử người canh đường, dò đường rất chặt chẽ trong lúc vận chuyển hàng, giao hàng; thường xuyên chuyển hướng hoạt động và giờ giấc vận chuyển... Thậm chí có không ít đối tượng rất liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ lực chống trả lực lượng chức năng, gây thương tích cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước đối với công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

Hiện nay, thuốc lá ngoại vẫn được nhập lậu và bày bán công khai trên các tủ thuốc, điểm bán lẻ; việc mua và bán thuốc lá lậu cũng diễn ra dễ dàng. Từ thực trạng và thực tế hoạt động của các ngành chức năng cho thấy, hoạt động chống buôn lậu thuốc lá gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nguồn kinh phí phục vụ công tác này rất hạn chế. Trong khi toàn bộ số thuốc lá lậu bị tịch thu đều phải đem tiêu hủy, vừa tốn tiền ngân sách vừa gây ô nhiễm môi trường và có thể tiềm ẩn nguy cơ gian lận, không minh bạch.

Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 122/2018/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài có hiệu lực từ tháng 2 này đã tháo gỡ phần nào những khó khăn nêu trên. Theo quy định tại thông tư, số tiền từ đấu giá sẽ chi cho các khoản sau: Chi mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc; chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tang vật vi phạm; chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức...

Để làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, bên cạnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công an, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, rất mong các ngành chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp nghiệp vụ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới và trong nội địa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng buôn lậu thuốc lá. Đồng thời đề xuất, ký kết chương trình phối hợp với các huyện và tỉnh của nước bạn giáp với Bình Phước về việc phòng chống buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Đặc biệt, phải thực hiện hiệu quả các hướng dẫn trong Thông tư số 122/2018/TT-BTC.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109046

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu