Chủ nhật, 19/05/2024 23:56:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:22, 24/01/2019 GMT+7

Không thể coi thường

Thứ 5, 24/01/2019 | 09:22:00 86 lượt xem
BP - Những số liệu được công bố tại hội thảo chuyên đề về ung thư phổi lần 2 do Bệnh viện K (Hà Nội) tổ chức dịp cuối năm 2018 cho thấy, căn bệnh ung thư này ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sự sống của con người. Tại hội thảo, các nhà khoa học, đội ngũ bác sĩ trong và ngoài nước kêu gọi các cấp, ngành tăng cường biện pháp phòng ngừa, kêu gọi người dân không thờ ơ, chủ quan trước những hiểm họa khôn lường từ bệnh ung thư phổi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm nhân loại có 2,09 triệu người mắc bệnh ung thư phổi, làm chết 1,76 triệu người. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 24 ngàn ca mắc bệnh ung thư phổi, làm chết 20.170 người, tức hơn 55 người chết/ngày vì căn bệnh này. Ung thư phổi đang là căn bệnh khiến thầy thuốc ở nước ta phải “bó tay”, bởi hầu hết người bệnh khi điều trị đều ở giai đoạn cuối nên nguy cơ tử vong rất cao. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư phổi như bị bệnh phổi mãn tính, lao phổi, viêm phế quản; các yếu tố về cơ địa của người bệnh; bệnh nghề nghiệp trong môi trường độc hại... Trong đó, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Nước ta hiện có hơn 15,6 triệu người hút thuốc lá, trong đó tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành chiếm 45,3%, nữ giới 1,1%. Nhiều kết quả nghiên cứu cho rằng, người hút thuốc lá nhiều và càng lâu năm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi càng cao. Người bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc càng sớm thì nguy cơ mắc bệnh càng giảm.

Bệnh ung thư phổi nói riêng, ung thư nói chung có thể phòng ngừa và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ. Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng lạ như ho kéo dài, khó thở, ho ra máu, ho có đờm, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân nhanh không rõ lý do, đau ngực... phải đến bệnh viện ngay để khám và điều trị. Tuy nhiên, do các dấu hiệu lâm sàng của bệnh ung thư phổi không mang yếu tố đặc trưng nên khó phát hiện. Bệnh chủ yếu là phát hiện tình cờ nên người dân cần định kỳ 2 lần trong năm khám sàng lọc ung thư để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

Tại Bình Phước, tuy chưa có số liệu cụ thể về số lượng người mắc bệnh, người chết do ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng, tuy nhiên số người chết liên quan đến bệnh ung thư ở tỉnh là không ít. Với thói quen hút thuốc lá, ăn ở mất vệ sinh, môi trường sống bị ô nhiễm càng làm cho bệnh ung thư, nhất là ung thư phổi có điều kiện phát sinh. Để phòng ngừa, ngăn chặn bệnh ung thư phổi, người dân cần đoạn tuyệt với thuốc lá, kể cả tiếp xúc với khói thuốc do người khác hút để giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này. Cần ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây thay thế thịt động vật để giúp hệ miễn dịch tăng cường hoạt động, đẩy lùi bệnh tật. Cần thường xuyên tập luyện thể dục, hoạt động thể chất, xây dựng môi trường sống lành mạnh, không bị ô nhiễm và tránh xa bia, rượu.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109038

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu