Thứ 2, 20/05/2024 04:30:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 22/01/2019 GMT+7

Hạn chế lợi dụng chống tiêu cực để phá rối tổ chức

Thứ 3, 22/01/2019 | 09:30:00 112 lượt xem
BP - Từ ngày 1-1-2019, Luật Tố cáo 2018 chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý là Khoản 1, Điều 25 của luật này quy định: Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ tên, địa chỉ người tố cáo, không xác định được người tố cáo hoặc dùng họ tên người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý. Nhưng nếu thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng, có chứng cứ cụ thể thì nơi tiếp nhận thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến nơi có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra.

Từ xưa tới nay, tố cáo những việc làm sai của cá nhân, tập thể để đấu tranh chống tiêu cực là hành động dũng cảm mà chỉ rất ít người có đủ dũng khí để làm. Thời gian qua đã có những tấm gương như thế được tổ chức Đảng, nhà nước các cấp và báo chí tôn vinh. Như tấm gương chị Hoàng Thị Nguyệt cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức kịp thời được Thành ủy Hà Nội biểu dương khi dũng cảm tố cáo Giám đốc bệnh viện cùng ê-kíp “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu để trục lợi hồi tháng 8-2013. Trước đó, ông Đinh Đình Phú đã dũng cảm tố cáo những sai phạm của tập thể Thị ủy, UBND thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) tham nhũng trong quản lý đất đai khiến nhiều người phải ra hầu tòa cũng đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen... Tuy nhiên, bên cạnh những người dũng cảm theo đến cùng và đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực thì lại có những kẻ chỉ ngồi rình sơ hở, tiêu cực của cán bộ, công chức rồi tung lên mạng xã hội với những bình luận ác ý hoặc gửi đơn đến nhiều cơ quan nhà nước để gây nhiễu loạn. Họ nhân danh “yêu nước”, “vì dân” nhưng thực chất là để chống đối, quy kết, vu cáo chính quyền, làm rối xã hội. Ngay trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã có một vài trường hợp thường hay làm đơn tố cáo nặc danh. Có người biết lãnh đạo cơ quan hoặc đồng nghiệp làm chưa đúng quy định nhưng không góp ý mà “để dành” rồi chờ cơ hội thuận lợi thì làm đơn tố cáo. Cơ quan chức năng đã phải vào cuộc kiểm tra, nhưng kết quả chỉ đúng một phần rất nhỏ so với nội dung tố cáo. Nếu người tố cáo vì lợi ích chung của đơn vị, vì trách nhiệm “chống tiêu cực” mà thẳng thắn góp ý hoặc chủ động báo cáo với cấp trên về những biểu hiện có thể dẫn đến tiêu cực thì đã không làm xáo trộn tổ chức, làm mất nhiều thời gian của cơ quan chức năng và ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết trong đơn vị.

Tố cáo nặc danh là một hiện tượng tồn tại khách quan và việc xử lý loại tố cáo này luôn gây nhiều tranh cãi. Có 2 lý do cơ bản khiến người tố cáo giấu tên. Một là sợ bị trả thù, trù dập. Hai là người tố cáo có dụng ý xấu, đưa tin thất thiệt, bịa đặt và tạo bằng chứng giả mạo để vu cáo người khác; cũng có thể vì mục đích tư lợi, tranh giành vị trí, chức vụ. Điều này giải thích vì sao tố cáo nặc danh thường tăng cao trong các dịp bầu cử, đại hội. Vì thế, cùng với Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 thì ngày 16-1 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác tham nhũng. Trong đó chỉ rõ những bất cập dẫn tới cán bộ, đảng viên và người dân chưa an tâm, e ngại đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này góp phần khuyến khích phát hiện, chống tiêu cực; đồng thời hạn chế tình trạng lợi dụng chống tiêu cực để phá rối tổ chức.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
109036

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu