Thứ 2, 20/05/2024 04:04:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:37, 27/12/2018 GMT+7

Đừng để “công chúa ngủ mãi trong rừng”

Thứ 5, 27/12/2018 | 09:37:00 103 lượt xem

BP - Việt Nam có nhiều thế mạnh về mặt hàng nông sản, trong đó đặc biệt là trái cây các loại. Những năm qua, sản phẩm trái cây của nước ta đã xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của trái cây Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Đã có nhiều hội thảo, hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại để mở lối cho mặt hàng này vươn ra biển lớn. Tuy nhiên, trái cây Việt vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”...

Cả nước hiện có khoảng 800 ngàn héc ta cây ăn trái các loại với sản lượng hằng năm ước đạt gần 10 triệu tấn, trong đó rất nhiều loại trái cây ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Điều đáng nói là có tới 80% sản lượng trái cây Việt Nam được tiêu thụ nội địa. Số còn lại dành cho xuất khẩu nhưng ở dạng tươi, thô nên giá trị không cao. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 2,458 tỷ USD, năm 2017 là 3,2 tỷ USD. 11 tháng năm 2018, cộng thêm mặt hàng rau, giá trị xuất khẩu của rau quả mới đạt 3,5 tỷ USD. Hiện Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước EU là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá trị xuất khẩu trái cây thời gian qua tăng số lượng nhưng vẫn thiếu ổn định là do xuất tươi, thô, qua sơ chế là chủ yếu. Một yếu tố khác là do Việt Nam chưa chủ động được thị trường, phải qua trung gian và đối tác thứ ba. Đến mùa thu hoạch, nông dân ngồi chờ thương lái vào vườn thu gom mà không tự tìm kiếm thị trường. Nhiều người ví von, trái cây Việt như nàng công chúa ngủ trong rừng, chờ các hoàng tử là các thương lái đến đánh thức (thu mua) nên điệp khúc được mùa - mất giá liên tục xảy ra.

Bình Phước hiện có gần 9.000 ha cây ăn trái các loại, trong đó nhiều loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, quýt, chôm chôm, nhãn, xoài, mít... Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh hiện không có bất kỳ một nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu nào mà chủ yếu là bán hàng thô, tươi. Cũng như nông dân cả nước, các hộ trồng cây ăn trái ở Bình Phước đang rất thụ động về tiêu thụ sản phẩm và phó mặc cho tư thương mỗi khi vào vụ thu hoạch. Nhiều hộ trồng cây ăn trái ở Bình Phước chạy theo phong trào và nhu cầu thị trường nên khi được mùa thì hàng trái cây dội chợ, rớt giá. Vài năm trước, khi quýt đường được giá, nhiều hộ dân sẵn sàng cưa bỏ cao su, vườn điều đang thu hoạch để trồng quýt và đã gặp “mùa quýt đắng” vì không tiêu thụ được. Cây nhãn ở Bình Phước cũng một thời gặp tình trạng tương tự khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Để trái cây Việt phát huy thế mạnh, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ngành chức năng cần sớm quy hoạch lại các vùng nguyên liệu; kêu gọi người dân không chạy theo phong trào. Đặc biệt, cần tăng cường mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến trái cây thành sản phẩm tinh chế có giá trị xuất khẩu cao. Tổ chức tập huấn cho nông dân về sản xuất sạch và bảo quản sau thu hoạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần chủ động tìm kiếm thị trường chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Đồng thời phải sớm hình thành chợ online để kết nối giữa vùng sản xuất, nhà chế biến và người tiêu dùng thành chuỗi liên kết.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109021

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu