Thứ 2, 20/05/2024 01:32:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:30, 26/12/2018 GMT+7

Thu phí khí thải, có phí chồng phí?

Thứ 4, 26/12/2018 | 13:30:00 99 lượt xem
BP - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Văn bản này đã gây nhiều ý kiến trái chiều, hầu hết cho rằng, việc thu phí này sẽ là phí chồng phí, giá hàng hóa sẽ tăng cao, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bị suy giảm...

Hiện các phương tiện giao thông đến máy móc, thiết bị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang phải chịu nhiều loại thuế, phí. Những phương tiện giao thông phổ biến như ôtô, xe máy đang phải đóng thuế bảo vệ môi trường thông qua xăng dầu rất cao (3.000 đồng/lít xăng, 1.500 đồng/lít dầu diesel, 300 đồng/kg dầu hỏa và 900 đồng/lít với dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng kịch trần (4.000 đồng/lít với xăng, 1.000 đồng/kg dầu hỏa và 2.000 đồng/lít dầu diesel, mazut, mỡ nhờn, dầu nhờn). Trong khi các loại xăng dầu trong nước đang gánh rất nhiều loại thuế, như xuất nhập khẩu, giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và thu nhập doanh nghiệp. Nếu thêm các loại thuế mới sẽ vắt kiệt sức dân. Đó là chưa kể các loại ôtô cũng gánh quá nhiều thuế, phí khiến giá xe ở Việt Nam cao nhất thế giới. Do thu nhập của người dân không tăng, lại đóng nhiều loại thuế cho phương tiện nên việc sở hữu chiếc xe hơi với phần lớn người dân nước ta vẫn chỉ là “giấc mơ”.

Một nhân tố nữa cũng cần lưu ý là việc thu phí khí thải sẽ tác động trực tiếp đến chi phí vận chuyển, vì giải pháp dễ thực hiện nhất vẫn là thu qua giá xăng dầu. Trong khi chi phí này ở nước ta đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tác động dây chuyền lên hầu hết các ngành, hàng.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện mức phí, thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam tương đối thấp so với các nước trên thế giới, chủ yếu là tính vào giá xăng dầu. Nhưng tính như vậy chưa đầy đủ và không bao quát hết phí sử dụng vì có những loại xăng dầu được sử dụng nhưng không phát thải. Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu bản chất khác hẳn với phí khí thải. Việc thu phí khí thải có tác động tích cực, giúp người dân, doanh nghiệp hiện đại hóa máy móc, thiết bị để mức phí môi trường phải đóng thấp đi, từ đó giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường.

Tại các nước phát triển đã thực hiện đánh thuế khí thải. Việc đánh thuế, phí khí thải đối với các phương tiện có xả thải như ôtô, xe máy cũng như phí hay thuế khí thải với các nhà máy sử dụng nguyên, nhiên vật liệu gây ra khí thải. Do đó, việc học hỏi các nước tiên tiến là cần thiết, nhưng không phải cái gì cũng áp dụng mà cần phải xem nước ta đang phát triển mức độ nào, hạ tầng giao thông, cảnh quan và môi trường của ta có tương xứng hay không? Những dòng xe, máy móc đáp ứng tiêu chuẩn cao phải đánh phí thấp và không chỉ xe mà các phương tiện, động cơ khác trong nhà máy, công sở có xả thải... cũng phải tính phí.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nếu áp phí không đúng thời điểm có thể phản tác dụng và gây bức xúc dư luận, nhất là với người dân và doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp. Rất mong các nhà quản lý khi xây dựng đề án cần tính toán kỹ mức thu với từng đối tượng, đảm bảo công bằng, tránh việc áp quá nhiều thứ thuế cùng lúc.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109020

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu