Thứ 2, 20/05/2024 08:38:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:30, 21/12/2018 GMT+7

Nỗi lo khi ra đường

Thứ 6, 21/12/2018 | 14:30:00 104 lượt xem
BP - Những vụ va chạm giao thông dẫn đến thương tích, án mạng thời gian gần đây cho thấy, bây giờ ra đường không chỉ lo ô nhiễm, khói bụi và cướp giật, mà còn thêm bất an về tai nạn giao thông. Ai cũng hiểu tham gia giao thông, va chạm là điều khó tránh khỏi. Nhưng nếu gặp người ứng xử nóng nảy, không cần lý lẽ thì hậu quả rất khó lường.

Như vụ việc đau lòng xảy ra chiều 17-12 tại xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là ví dụ. Ông D.B.T (46 tuổi, trú xã Vĩnh Thạnh) chạy xe máy ở đoạn đường gần nhà xảy ra va quẹt với xe máy của Bùi Quang Hoàng (37 tuổi, trú cùng xã). Hai bên cãi nhau, ông T tát Hoàng một cái, Hoàng bực tức rút dao thủ sẵn trong người đâm ông T một nhát vào sườn phải rồi bỏ đi. Nạn nhân sau đó được cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, chiều hôm sau tử vong. Hành động côn đồ của Hoàng đã rõ nhưng hành xử của ông T chính là một phần đẩy bản thân vào bi kịch...

Phụ nữ vốn được xem là “chân yếu, tay mềm” nhưng va quẹt trên đường, vẫn bị gây gổ, đánh đập nếu người va chạm với mình là kẻ thích giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Cụ thể như vụ việc xảy ra tại tỉnh Điện Biên vào chiều 16-12. Khi Th điều khiển xe máy SH va chạm với xe máy Yamaha do chị M điều khiển làm xe SH bị hư hỏng nặng phần đầu. Dù xác định ban đầu Th đi sai nhưng nam thanh niên vẫn gọi bạn mua xăng đến rồi kéo chiếc xe của chị M ra giữa đường đốt. Còn ở TP. Hồ Chí Minh vài hôm trước cũng xảy ra vụ việc sau va chạm, dù nữ sinh xin lỗi rối rít nhưng vẫn bị nam thanh niên tát đỏ mặt khiến dư luận bất bình, phẫn nộ.

Qua các vụ việc nêu trên cho thấy, mâu thuẫn không được giải quyết thông qua trao đổi, thấu hiểu lẫn nhau mà bằng bạo lực hiện trở thành xu hướng lan ra nhiều nhóm xã hội. Kể cả những người dày dạn kinh nghiệm sống, lớn tuổi, hiểu biết pháp luật vẫn phạm tội. Hành vi gây án trong thời gian ngắn từ lời nói, cử chỉ, thái độ... thiếu kiềm chế mang tính bột phát càng khiến nhiều người lo ngại. Trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi bởi kinh tế thị trường, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, lối sống thực dụng, hẹp hòi, thờ ơ, vô cảm đã làm giá trị sống quy chuẩn bị lung lay. Đó là khi đạo đức bị xem nhẹ, quyền được tôn trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm... không được đề cao, phổ biến trong xã hội. Cùng với đó là thói vô tổ chức, coi thường pháp luật và chuẩn mực xã hội của không ít người đã nảy sinh tội phạm.

Xu hướng ra đường không nhường nhịn một phần còn thể hiện cách giáo dục của gia đình. Việc cha mẹ có kinh tế lại ít con dẫn đến nuông chiều, bao bọc con thái quá, hình thành tính ích kỷ, tự do, tùy tiện hành động đã không còn là chuyện hiếm gặp. Một xu hướng khác là cha mẹ đối xử hà khắc với con, ít quan tâm, chia sẻ; con nhận thức hạn chế, sống thiếu lý tưởng cùng với tác động lệch chuẩn từ thông tin bạo lực trên internet, từ rượu, bia và ma túy... dẫn tới ảo giác mà không làm chủ được bản thân...

Ý thức tác động đến lối sống mỗi người hình thành qua một quá trình dài, không phải “ngày một, ngày hai”. Chính vì thế, trước hết mỗi người cần tự ý thức chế ngự “cái tôi” thấp nhất mỗi khi mâu thuẫn, va chạm giao thông để tìm hướng xử lý tích cực. Trong cộng đồng, việc hình thành môi trường văn hóa, lối sống biết tôn trọng các quy tắc đạo đức, pháp luật, ý thức trách nhiệm với xã hội là vô cùng cần thiết.

An Nhiên

  • Từ khóa
109018

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu