Thứ 2, 20/05/2024 04:54:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:00, 01/12/2018 GMT+7

Không mở rộng diện tích cây tiêu

Thứ 7, 01/12/2018 | 09:00:00 107 lượt xem
BP - Những khuyến cáo của các nhà khoa học và chuyên gia tại buổi hội thảo bàn giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Phước diễn ra ngày 26-11 vừa qua có nhiều điều đáng để nông dân phải suy nghĩ. Bởi lẽ, hồ tiêu tuy là cây trồng có giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây khác ở địa phương nhưng mức đầu tư khá lớn và rủi ro rất cao. Trong năm nay, nông dân trồng tiêu bị thiệt kép do sâu, bệnh tàn phá và giá xuống rất thấp.

Mấy năm gần đây, nông dân trong tỉnh không nắm được những yếu tố bất lợi, chạy theo phong trào nên diện tích cây tiêu tăng cao. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 17.178 ha hồ tiêu, tăng 726 ha, năng suất năm 2018 chỉ đạt 14 tạ/ha, giảm 40% so năm 2017. Diện tích trồng tiêu của tỉnh đứng thứ 3 cả nước nhưng năng suất lại thua kém nhiều tỉnh ở Tây Nguyên. Vì vậy, nếu còn mở rộng diện tích trồng tiêu thì nông dân càng gặp khó khăn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn thế giới chỉ khoảng 300.000 tấn/năm nhưng tổng sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2017 đã đạt khoảng 215.000 tấn, chưa kể tiêu của Indonesia, Ấn Độ chủ yếu để xuất khẩu. Tình trạng đó đã dẫn đến việc những năm gần đây giá hồ tiêu xuống thấp kỷ lục. Từ loại cây trồng được coi là “vàng đen” giúp nông dân làm giàu thì giờ đây, hồ tiêu lại trở thành gánh nặng. Nhiều nhà vườn để thì không xong, chặt bỏ thì tiếc công sức, tiền của đã đầu tư suốt nhiều năm. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp, địa bàn tỉnh hiện có trên 1.000 ha tiêu bị chết hoàn toàn, hơn 2.600 ha nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm. Dự báo thời gian tới, diện tích hồ tiêu chết tiếp tục tăng, gây hậu quả nặng cho nông dân và ngành nông nghiệp địa phương.

Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển vùng sản xuất hồ tiêu bền vững cần xây dựng tiêu chuẩn về điều kiện đất đai, canh tác cho cây tiêu, tiến tới quản lý vùng trồng tiêu chính của tỉnh. Nâng cao ý thức phòng bệnh trên vườn tiêu nông hộ, trong đó áp dụng triệt để các giải pháp sinh học để phòng trừ bệnh trên cây tiêu. Ứng dụng các giải pháp công nghệ để giảm chi phí, công lao động cũng như liên kết xây dựng những vùng sản xuất đạt chứng nhận các tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Trong công tác quản lý, chính quyền cơ sở không để nông dân mở rộng diện tích cây tiêu mà cần khuyến cáo bà con tập trung đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất, sản lượng diện tích hồ tiêu hiện có. Quản lý và cấp giấy chứng nhận hồ tiêu cho các nông dân sản xuất đạt tiêu chuẩn; đồng thời quản lý tốt các giống tiêu.

Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn nông dân xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất hồ tiêu, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ có hợp tác, liên kết mới giải được bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước những biến động của thị trường. Việc liên kết cũng sẽ giúp đầu ra sản phẩm được ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế. Làm được những điều này thì cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt. Đây cũng chính là thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) là “sống trong lòng dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp và nông thôn”.

Thanh Hà

  • Từ khóa
109004

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu