Thứ 2, 20/05/2024 08:21:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:41, 24/11/2018 GMT+7

Cần lắm “Bầu ơi...”

Thứ 7, 24/11/2018 | 08:41:00 107 lượt xem
BP - Trong hai ngày 21 và 22-11, tại hội trường tỉnh diễn ra Đại hội đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Phước lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2023. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã dùng tất cả loại vũ khí hiện đại, kể cả chất độc hóa học nhằm hủy diệt mọi sự sống trên mặt đất. Cụ thể, Mỹ đã rải 72 triệu lít thuốc diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam, trong đó có hơn 40 triệu lít chất độc da cam/dioxin.

Chất độc dioxin là loại chất diệt cỏ được xếp vào hàng những chất nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều đời sau. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Phước là địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Vì thế, sau ngày đất nước thống nhất, Bình Phước cũng là địa bàn có nhiều người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Theo kết quả khảo sát, điều tra của các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế, ở Bình Phước hiện có hơn 4.000 người bị phơi nhiễm và 1.070 người là nạn nhân chất độc da cam đang hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Và từ thực tế cuộc sống cho thấy, nạn nhân của chất độc da cam được xác định là “những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, những người nghèo nhất trong những người nghèo”.

Xuất phát từ thực tế và cao hơn thế là phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ nhiều năm qua, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã có nhiều việc làm hiệu quả, thiết thực, như: thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân. Cụ thể là từ năm 2013-2018, các cấp hội trong tỉnh đã vận động các tầng lớp nhân dân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp được 19.970 phần quà, trị giá 6,56 tỷ đồng, tặng nạn nhân chất độc da cam; xây 34 căn nhà tình nghĩa, trị giá 1,52 tỷ đồng tặng những gia đình nạn nhân gặp khó khăn về nhà ở và nhiều hộ có người là nạn nhân gặp khó khăn về đời sống được giúp vốn, cây - con giống... với tổng trị giá 8,96 tỷ đồng.

Sự ân cần thăm hỏi, động viên, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và những nhà hảo tâm có ý nghĩa to lớn, giúp những nạn nhân thấy được mình không bị lẻ loi, đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, nghèo khó và từ đó giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Một trong những tấm gương điển hình vượt khó nhờ sự giúp đỡ chí tình của các cấp, ngành là ông Lê Bá Phán ở huyện Phú Riềng. Gia đình ông Phán có 6 người thì 4 người bị nhiễm chất độc da cam. Từ nguồn giúp đỡ của các cấp hội và những nhà hảo tâm, cùng sự nỗ lực của bản thân, gia đình ông Phán đã cố gắng vươn lên vượt qua nghèo khó, bệnh tật để phát triển sản xuất, chăn nuôi và trở thành hộ có kinh tế khá. Từ nhiều năm nay, gia đình ông Phán còn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vốn những hộ cùng hoàn cảnh với mình trước đây.

Vâng, sự hỗ trợ, động viên, giúp đỡ dù ít hay nhiều nhưng đúng đối tượng, kịp thời sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để việc làm này được lan tỏa, nhân rộng, thiết thực thì rất cần sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi người dân trong cộng đồng. Đồng thời, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt và minh bạch trong mọi hoạt động. Có như vậy mới phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

T.H

  • Từ khóa
109000

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu