Thứ 2, 20/05/2024 04:54:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 23/11/2018 GMT+7

Đừng quá “trọng thầy” mà “nhẹ thợ”

Thứ 6, 23/11/2018 | 09:30:00 104 lượt xem
BP - Đội Việt Nam vừa đoạt giải á quân cuộc thi “Siêu thợ máy châu Á - Thái Bình Dương 2018” diễn ra tại Thái Lan vài ngày qua. Tin vui đúng dịp kỷ niệm 36 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, khiến nhiều người quan tâm đến lĩnh vực GD-ĐT càng thêm nức lòng. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, Việt Nam có nhiều thợ giỏi đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, góp phần đưa đất nước sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động tới nhận thức của nhiều người. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thợ giỏi thực chất sẽ tìm được công việc ổn định. Nó khác xa với những người cố sức lấy được bằng đại học nhưng là...thầy dở thì cũng sẽ không tìm được vị trí như mong đợi.

Cuộc thi “Siêu thợ máy châu Á - Thái Bình Dương 2018” được nâng tầm trở thành sự kiện quy mô quốc tế từ năm 2016. Sự kiện vừa giúp các thợ máy nâng cao kiến thức, kỹ năng vừa tạo sân chơi thể hiện tài năng. Năm nay cuộc thi thu hút hơn 120.000 thợ máy đến từ 6 quốc gia tham dự. Các thợ máy Việt Nam đoạt giải nhì khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ mang vinh quang về cho đất nước, thêm cơ hội cập nhật kiến thức thực tế, được xã hội ghi nhận mà quan trọng hơn, các anh còn góp phần thay đổi nhận thức về “thầy” và “thợ” phù hợp xu thế phát triển của xã hội.

 Thực ra, tư tưởng trọng thầy, xem nhẹ thợ ở nước ta hiện vẫn còn khá nặng nề. Vì thế, hầu hết các gia đình đều mong muốn con em tốt nghiệp đại học; các cơ quan, doanh nghiệp... khi tuyển dụng lao động cũng đòi hỏi bằng đại học trở lên bất chấp năng lực dẫn đến người người học đại học, nhà nhà khuyến khích con em vào đại học... còn chất lượng ra sao lại là việc khác. Do đó, nhiều học sinh học lực trung bình, yếu vẫn cố gắng vào đại học (!?). Điều này dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” triền miên. Đã thế trong những năm gần đây, các trường đại học còn “bung nở” như hoa mùa xuân nên cơ hội để có tấm bằng đại học càng dễ dàng. Khi lựa chọn cảm tính, không quan tâm tới đặc thù nghề nghiệp, không xuất phát từ đam mê, yêu thích, cũng không dựa trên năng lực, thế mạnh... thì nhiều người học xong, tấm bằng lại chỉ để “trưng cho đẹp” còn kiếm sống thì bằng nghề chạy xe ôm, bán hàng... chẳng liên quan tới bằng cấp; vừa lãng phí nguồn lực, chất xám vừa làm chậm sự phát triển xã hội, tạo bất cập “thầy dở” thì thừa mà “thợ giỏi” lại hiếm.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, kéo theo sự thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất. Điều đó đồng nghĩa với việc “thợ giỏi” ngày càng được trọng dụng còn “thầy dở” sẽ tự đào thải theo quy luật sinh tồn. Đó là thực tế để lớp trẻ đứng trước sự lựa chọn làm thầy hay thợ phải cân nhắc theo năng lực bản thân. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị cần phải nỗ lực hơn nữa trong đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức đúng đắn về thầy và thợ. Nếu sức học của các em phù hợp phát triển nghề thì vui vẻ chọn học trường nghề với tâm thế chủ động: thà làm thợ giỏi còn hơn làm thầy dở! Không còn sĩ diện, suy nghĩ thiển cận, bằng mọi giá phải chen chân vào đại học. Đồng thời, trong chính sách tuyển sinh, đào tạo cần có sự phân luồng, phân bố hợp lý, để tận dụng được tốt các trường nghề có cơ sở đào tạo chất lượng; tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh phát huy năng lực, sở trường. Từ đó mới mong thay đổi được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.

An Nhiên

  • Từ khóa
108999

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu