Thứ 2, 20/05/2024 05:49:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:34, 21/11/2018 GMT+7

Để việc tri ân thầy, cô mang ý nghĩa nhân văn hơn

Thứ 4, 21/11/2018 | 09:34:00 106 lượt xem

BP - Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang “sốt” về thông điệp: “Hãy tặng chúng tôi nhiều “phong bì” nhân ngày 20-11!” đăng trên trang cá nhân của thầy Đào Tiến Đạt - lãnh đạo Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội). Nếu chỉ nghe qua có lẽ nhiều người sẽ hiểu nhầm, cho rằng đây là việc làm thể hiện lối sống thực dụng, làm hoen ố hình ảnh người thầy. Thực tế, thầy Đạt cũng đã nhận không ít “gạch đá”. Tuy nhiên, đằng sau thông điệp có phần thô thiển ấy lại là một hành động mang ý nghĩa cao đẹp. Và học sinh, phụ huynh, giáo viên Trường THPT Anhxtanh sau khi biết rõ thành ý của thầy Hiệu trưởng thì đều nhiệt tình hưởng ứng.

Theo thầy Đạt, ngoài ủng hộ của phụ huynh, giáo viên quyên góp tiền cá nhân, học sinh bán quà vặt để gây quỹ; thậm chí có nhóm học sinh còn lên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) hát rong kiếm tiền ủng hộ. Nhà trường dùng toàn bộ số tiền phụ huynh trao tặng và tiền gây quỹ từ hoạt động dạy thêm, bán hàng, lau nhà, dọn cửa hàng, hát rong... để mua 656 cái mền tặng thầy cô, học sinh ở Trường tiểu học Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa và 85 triệu đồng tặng những đồng nghiệp đang công tác ở vùng khó khăn này. Sự sẻ chia ấm áp của thầy, trò Trường THPT Anhxtanh gửi tới các đồng nghiệp và học sinh ở Pù Nhi nhân Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11) là nguồn động viên tinh thần không nhỏ, giúp các thầy cô và học sinh ở nơi gian khó này vượt qua mọi khó khăn để vươn lên dạy tốt, học tốt.

Lâu nay, cứ cận kề Ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam, bậc phụ huynh lại “đau đầu” về chuyện tặng quà giáo viên. Không thể phủ nhận một bộ phận giáo viên thực dụng đã gợi ý về việc tặng quà; thậm chí “điểm danh” xem em nào không tặng quà trong dịp này. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh mang nặng tâm lý phải có “quà to” thì con em mình mới được thầy cô chăm sóc, không bị phân biệt đối xử. Họ không biết rằng đã vô tình làm hại con em mình, bởi các em sẽ nảy sinh tư tưởng muốn làm gì thì làm, bởi chỉ cần có “phong bì” cho thầy cô là xong.

Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng đánh mất phẩm chất nhà giáo. Rất nhiều nhà giáo không bao giờ nhận quà, không đồng ý cho phụ huynh đến nhà trong ngày 20-11. Họ chỉ mong phụ huynh quan tâm đến tinh thần nhiều hơn là những món quà vật chất. Với thầy Đào Tiến Đạt thì luôn mong phụ huynh hãy dùng số tiền mua hoa, mua quà tri ân thầy cô để làm nhiều việc ý nghĩa hơn. Và mong muốn của thầy đã thành hiện thực, bởi sau 1 tuần quyên góp, sáng 19-11, đoàn từ thiện của trường đã lên đường tới Mường Lát, mang theo tình cảm của tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh, nhà hảo tâm tới các thầy cô giáo và học sinh Trường tiểu học Pù Nhi.

Thông điệp của thầy Đào Tiến Đạt trên trang cá nhân dịp kỷ niệm Ngày hiến chương các nhà giáo, ban đầu đã khiến nhiều người hiểu nhầm. Tuy nhiên, thực chất việc làm của thầy Đạt và tập thể Trường THPT Anhxtanh lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nếu thầy cô hiệu trưởng nào cũng có những ý tưởng tốt đẹp như thầy Đạt; nếu phụ huynh, học sinh trường nào cũng đồng hành với nhà trường trong những việc làm ý nghĩa thì sẽ không còn cảnh phụ huynh loay hoay “mua gì tặng thầy cô trong ngày nhà giáo”? Cũng không có cảnh học sinh lũ lượt đến nhà thầy cô với những món quà mang nặng vật chất. Và như thế, việc tri ân thầy cô trong Ngày nhà giáo Việt Nam sẽ càng mang ý nghĩa nhân văn hơn

Lâm Phương

  • Từ khóa
108997

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu