Thứ 2, 20/05/2024 04:54:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:43, 20/11/2018 GMT+7

Bước đi đầu tiên

Thứ 3, 20/11/2018 | 08:43:00 99 lượt xem

BP - Đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư công vụ của tỉnh; 80% các cơ quan, đơn vị được tích hợp chữ ký số. Đó là 2 trong số những mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch số 229/KH-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 29-10-2018 về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2018. Đây là mục tiêu, cũng là điều kiện “sống còn”, là đòi hỏi tất yếu đối với hệ thống cơ quan nhà nước hiện nay. Bởi nó là bước đi đầu tiên để tiến tới một môi trường, cách thức làm việc mới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã len lỏi vào mọi ngõ ngách và làm thay đổi cuộc sống của con người. Trước đó, từ thập kỷ 80, 90 của thế kỷ 20, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt tay xây dựng chính phủ điện tử. Việt Nam đã đi sau trong bước tiến này. Hệ quả rõ nhất không phải là hạ tầng công nghệ của nước ta còn thấp hơn nhiều quốc gia, mà chính là vấn đề con người, cụ thể là khả năng tận dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ, khả năng ứng dụng, sử dụng khoa học - công nghệ và hệ thống thủ tục hành chính của nước ta đang không theo kịp sự phát triển của xã hội.

Ví dụ như một người có chứng minh nhân dân do công an Bình Phước cấp, đi làm việc tại Hà Nội không may bị mất. Để làm chứng minh nhân dân mới, theo quy định phải làm giấy xác nhận bị mất tại Hà Nội, sau đó đem về Bình Phước xin cấp lại, rồi lại quay ra Hà Nội tiếp tục làm việc. Toàn bộ quá trình làm thủ tục này phải “chính chủ” thực hiện, không ai ký thay, làm thay được. Nếu thủ tục được thực hiện theo hướng hiện đại, hệ thống dữ liệu được kết nối liên thông qua mạng, người bị mất có thể đến cơ quan công an nơi vừa bị mất xin cấp lại. 10 dấu vân tay được xác nhận chỉ trong 5 phút và có thể cấp ngay chứng minh nhân dân mới bằng chữ ký điện tử. Hay tại nhiều nơi, đặc biệt là tại cơ quan, đơn vị thuộc nhà nước, một bộ phận lãnh đạo, cán bộ chỉ làm việc trên “giấy trắng mực đen”, không thích, không biết, ngại, sợ làm việc trên máy tính, trên mạng, trên môi trường kỹ thuật số...

Có vô số thủ tục hành chính liên quan đến cuộc sống hằng ngày của người dân, doanh nghiệp hay hoạt động trong công sở, doanh nghiệp tương tự như vậy. Nếu được cải cách và triển khai theo hướng điện tử, sẽ tiết kiệm cho xã hội một khối lượng chi phí vô cùng lớn. Cùng với đó, bộ máy nhà nước cũng sẽ giảm đáng kể gánh nặng công việc, giảm bớt nhân sự...

Ngày 20-9-2018, trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban, đặt vấn đề: “Phải chăng rào cản đầu tiên hiện nay chính từ những người làm việc tại cơ quan hành chính? Thiếu quyết tâm của người đứng đầu, hay do ngại sử dụng công nghệ thông tin, sự né tránh của cán bộ, công chức để không phải minh bạch, công khai công việc? Hay thiếu về thể chế, chính sách hay tồn tại những quy định bất hợp lý, gây khó khăn trong việc triển khai?”.

Những vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên đều là thực tế đang tồn tại hiện nay. Điểm chung của những vấn đề này không phải ở công nghệ hay tài chính, mà là con người. Sự phức tạp của thủ tục hành chính đang là “mảnh đất kiếm ăn” đối với một số người. Bởi khi mọi việc được minh bạch trên mạng, được lưu trữ đầy đủ, thì mảnh đất ấy không còn. Sử dụng hộp thư công vụ, sử dụng chữ ký số, là một trong những bước đơn giản nhất, bước đi đầu tiên tiến tới làm việc trên môi trường kỹ thuật số. Nếu ai không đi được những bước ấy, không theo kịp sự phát triển, tất sẽ bị bỏ lại.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
108996

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu