Thứ 2, 20/05/2024 08:21:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:29, 13/11/2018 GMT+7

Gỡ gánh nặng từ phần chìm của tảng băng thủ tục

Thứ 3, 13/11/2018 | 10:29:00 114 lượt xem
BP - Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2018, vừa được ban hành.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh như đã nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ. Bộ Kế hoạch - Đầu tư giảm thành phần giấy tờ trong hồ sơ, nội dung đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bộ Công an đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp. Bộ Giao thông vận tải rà soát các hợp đồng BOT giao thông, đàm phán với nhà đầu tư để giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên nguyên tắc hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Các bộ, ngành, địa phương kịp thời xây dựng công cụ, giải pháp hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp sau khi họ tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức...

Rất nhiều nội dung quan trọng khác cũng được Chính phủ nêu và giao cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Nếu thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới rất nhiều thủ tục đang là gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân sẽ được gỡ bỏ. Đơn cử như chỉ với yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung, cắt giảm các quy định không cần thiết về thủ tục lập quy hoạch, giấy phép quy hoạch, thủ tục xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, sẽ có hàng triệu người dân và doanh nghiệp trút được gánh nặng lớn.

Có lẽ nhiều người chưa quên câu chuyện chủ quán cà phê Xin Chào ở TP. Hồ Chí Minh năm 2016 bị phạt 17 triệu đồng và bị khởi tố về tội “Kinh doanh trái phép” do nộp chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày. Cũng trong năm 2016, và cũng ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, một nông dân dựng lại chòi vịt trong đất vườn của gia đình mình bị đổ bằng mấy cái cọc và mái lá, nhưng đã bị phạt hành chính 6 triệu đồng, vì “xây dựng công trình không giấy phép” và buộc “tháo dỡ công trình”. Sau khi nộp phạt và “tháo dỡ công trình”, nông dân này tiếp tục dựng lại cái chòi 35 mét vuông ấy để nuôi vịt thì bị phạt lần 2, đồng thời bị khởi tố bị can, bị đề nghị truy tố ra tòa vì “vi phạm các quy định về nhà ở”.

Hai vụ việc này được báo chí phát hiện, đưa tin, chủ quán cà phê và nông dân ấy đều được minh oan sau khi có chỉ đạo làm rõ trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ. Đây chỉ là những trường hợp điển hình, song qua đó có thể thấy phần chìm của tảng băng “thủ tục” đã và đang đè lên mong mỏi lập nghiệp, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nặng như thế nào.

Một ví dụ ở góc độ khác như quy định về thiết kế, lập dự án đối với công trình giao thông nông thôn. Thực tế cho thấy, đối với công trình đơn giản như đường bê tông do Nhà nước và nhân dân cùng làm, không cần thiết phải tốn 1/10 kinh phí dành cho thiết kế cũng như nhiều khoản chi phí khác theo quy định. Bởi kinh nghiệm của người dân hoặc ban quản lý thôn dư sức làm những việc đó mà không mất một đồng nào...

Còn rất nhiều thủ tục bất cập trong cuộc sống, nhưng lại làm lợi cho một nhóm người vẫn đang tồn tại. Nó được núp bóng dưới danh nghĩa “quy định” của Nhà nước, của bộ này ngành kia. Mong rằng Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2018 nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt được mục tiêu cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tạo đà cho việc gỡ bỏ hàng loạt thủ tục bất cập khác.

Trần Phương

  • Từ khóa
108991

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu