Thứ 2, 20/05/2024 05:49:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:56, 10/11/2018 GMT+7

Cần sớm đưa các đề án vào cuộc sống

Thứ 7, 10/11/2018 | 08:56:00 106 lượt xem

BP - Trong ngày 29-10-2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 2 quyết định phê duyệt các đề án liên quan đến chăm sóc, phát triển trẻ em giai đoạn 2018-2025. Đó là Quyết định số 1437/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng” và Quyết định số 1438/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng”. Đây là những đề án cụ thể, hiện thực hóa chính sách quan tâm, chăm lo đặc biệt đến trẻ em của Nhà nước ta.

Theo thống kê, cả nước vẫn còn gần 25% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi; khoảng 72% trẻ lứa tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) và 9,4% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) không được tham gia các chương trình giáo dục mầm non chính quy. Mỗi năm vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; 170.000 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi và nhiều trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn cao (năm 2017 là 3.500 trẻ); tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục vẫn còn, số bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn vẫn còn cao, nhất là đuối nước; tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật còn nhiều; số trẻ mồ côi, khuyết tật hằng năm vẫn gia tăng... Từ những con số thực tế cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của các đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt, vì vậy cần phải được triển khai thực hiện hiệu quả nhất.

Xây dựng chương trình quốc gia về phát triển toàn diện trẻ em là hết sức quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là phải đưa chương trình này đi vào hiện thực đời sống. Tránh tình trạng đề án có mục tiêu tốt nhưng khi thực hiện không đạt hiệu quả mong muốn. Cụ thể là đề án thực hiện chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội mà báo chí đã phản ánh. Chúng ta luôn xác định, trẻ em phải được coi như những công dân đặc biệt của xã hội, phải được chăm sóc và dành những ưu tiên cũng như tạo môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Một cơ thể khỏe mạnh về thể chất và tinh thần trong những năm đầu đời là tiền đề, điều kiện cần và đủ cho sự phát triển về mọi mặt sau này của trẻ. Thực hiện hiệu quả chương trình phát triển toàn diện trẻ em cần sự quan tâm, vào cuộc của từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, những trẻ em được nuôi dưỡng tốt, sống trong môi trường an toàn và thuận lợi trong những năm đầu đời sẽ có nhiều khả năng phát triển được tiềm năng tối ưu sau này.

Đầu tư phát triển trẻ thơ là đầu tư vốn con người, được thể hiện thông qua lực lượng lao động thông minh, khỏe mạnh sẽ góp phần giảm nghèo đói trong tương lai. Đầu tư này sẽ tác động đến chất lượng nguồn lao động. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em được sống hạnh phúc vừa là mục tiêu, vừa là động lực và tương lai phát triển bền vững đất nước. Đây là một quá trình của sự nghiệp quốc gia, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, cũng như các nguồn lực trong nước và quốc tế. Sự đầu tư cho trẻ theo các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần phát triển con người toàn diện, đem lại sự công bằng và bình đẳng cho mọi trẻ em Việt Nam.

Thanh Hà

  • Từ khóa
108990

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu