Thứ 2, 20/05/2024 09:38:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:27, 25/10/2018 GMT+7

Lợi bất cập hại

Thứ 5, 25/10/2018 | 09:27:00 95 lượt xem
BP - Kỳ họp phụ huynh đầu năm học 2018-2019, ở các trường THPT trên địa bàn thị xã Đồng Xoài đã diễn ra, nhưng đến nay, sau gần 1 tháng, “sức nóng” vẫn còn bởi các ý kiến, kiến nghị của cha mẹ học sinh. Trong đó, nổi bật nhất là kiến nghị về việc cấm học sinh mang và sử dụng điện thoại di động khi đến trường.

Không thể phủ nhận những tiện ích, công dụng của điện thoại di động thông minh (smartphone) trong đời sống xã hội hiện nay. Với hệ điều hành tiên tiến, smartphone đã trở thành một thiết bị điện tử cầm tay, một máy ảnh, quay phim kỹ thuật số, hệ thống định vị toàn cầu GPS và thay thế các phương tiện điện tử khác như laptop, thư viện, từ điển bách khoa... Tuy nhiên, việc lạm dụng smartphone đã gây ra những hệ lụy rất khó lường đối với trẻ trong độ tuổi học sinh như ảnh hưởng thị giác, tâm sinh lý, quá trình hình thành nhân cách và smartphone sẽ gây nghiện cho người dùng. Đặc biệt với chức năng là một thiết bị đa phương tiện, người sử dụng smartphone truy cập các trang web đen, phim “nóng”, ảnh sex, các trang mạng phản động, tải trò chơi điện tử... dẫn tới những rối loạn về tâm lý, mất khả năng nhận thức, sống theo ảo giác, buông thả, hưởng thụ. Trong độ tuổi học sinh, các em rất dễ bắt chước những diễn biến trên mạng xã hội, sa vào các tệ nạn do thế giới ảo gây ra...

Vì vậy, trong đợt họp phụ huynh đầu năm học 2018-2019, hầu hết phụ huynh các trường THPT ở thị xã Đồng Xoài... đều kiến nghị việc cấm học sinh mang và sử dụng smartphone khi đến lớp. Tuy nhiên, một số trường cho rằng, để phục vụ học tập và truy cập thông tin nên cho phép học sinh dùng điện thoại trong lúc nghỉ giải lao, khi chưa vào lớp... Tuy nhiên nhiều phụ huynh cho rằng, lý do này không xác đáng, bởi giáo viên phải là người truyền đạt kiến thức và cung cấp thông tin cho học sinh chứ không nên để các em lạm dụng smartphone. Bên cạnh đó, việc sử dụng smartphone để truy cập thông tin khiến học sinh bị thụ động, giảm sức sáng tạo, vận động của tư duy... bởi vấn đề gì cũng đã có “giáo sư Google”. Trong khi đó, các em rất cần sự khơi gợi để phát huy tính sáng tạo, tư duy trước mọi vấn đề và hiện tượng nhằm hoàn thiện trí tuệ, nhân cách. Thực tế đã xảy ra nhiều bài học đau lòng, vụ án thương tâm do smartphone gây ra. Vụ thảm sát tại Bắc Giang do Lê Văn Luyện gây ra là một minh chứng điển hình về mặt trái của smartphone. Lê Văn Luyện là kẻ nghiện game bạo lực nên mất hết tính người khi ra tay tàn độc để cướp của. Thế nhưng, sau đó không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện game bạo lực mà Luyện là nhân vật chính được nhiều người trẻ tải về smartphone chơi...

Một số nước tiên tiến trên thế giới như Pháp đã cấm học sinh sử dụng smartphone, iPad khi đến lớp. Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai việc cấm giáo viên và học sinh dùng điện thoại khi đến trường từ đầu năm học 2018-2019. Từ những yếu tố đã nêu cho thấy, việc cấm học sinh mang điện thoại đến trường là hoàn toàn hợp lý và đây cũng là biện pháp bảo vệ trẻ em trước những cám dỗ của thế giới ảo... Rất mong Bộ GD-ĐT cân nhắc, xem xét, có chỉ thị thực hiện trong toàn ngành, không thể để mỗi nơi một kiểu, mạnh trường nào trường nấy làm.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108981

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu