Thứ 4, 01/05/2024 00:49:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:47, 28/02/2018 GMT+7

Hướng mở cho VLXKN phát triển

Thứ 4, 28/02/2018 | 08:47:00 174 lượt xem
BP - Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28-4-2010. Mục tiêu nhằm thay thế gạch nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính; đồng thời tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả chung cho xã hội và bảo vệ môi trường.

Mỗi năm cả nước cần khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) để sản xuất VLXKN. Qua đó, tiết kiệm khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm héc ta đất chứa chất phế thải, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung thủ công. Tuy nhiên, sau gần 8 năm thực hiện, hành trình tới “đích” với dòng sản phẩm mới này vẫn còn nhiều chông gai. Tại Bình Phước, lộ trình phát triển VLXKN theo Kế hoạch số 139/KH-UBND, ngày 1-6-2016 của UBND tỉnh đề ra vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế ở nhiều nơi, VLXKN đã có chỗ đứng vững chắc trong các công trình và đang dần trở nên phổ biến bởi nhiều ưu điểm, như cường độ chịu lực tốt, độ bền cao, cách âm tốt, độ chính xác cao, mẫu mã đẹp, không độc hại, bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí. Bình Phước có nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất VLXKN như cát, đá vôi, cao lanh, puzolan, đất sét... rất phong phú. Hằng năm, các doanh nghiệp khai thác, sản xuất trên 1.131 triệu tấn xi măng, gần 1.460 triệu mét khối đá xây dựng, 29.377m3 đất sét gạch ngói... Tuy nhiên, do thói quen của người dân và cả nhà đầu tư đã gắn liền với gạch nung truyền thống nên thị trường VLXKN trong tỉnh còn hạn chế, người dân chủ yếu dùng xây các công trình dân dụng đơn giản như tường rào, lát sân vườn, vỉa hè... Do đó, số cơ sở VLXKN rất ít (trên 10 cơ sở) và sản xuất với số lượng hạn chế, còn sản xuất vật liệu nung đang chiếm tỷ trọng cao với sản lượng hơn 100 triệu viên/năm. Trong khi 11 huyện, thị xã trong tỉnh đang từng bước được đầu tư về cơ sở hạ tầng với tốc độ đô thị hóa cao nên nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng rất lớn.

Nhằm đẩy mạnh phát triển VLXKN theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ đề ra, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD, thay thế Thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng và có hiệu lực thi hành từ tháng 2-2018. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng VLXDKN trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như sau: Ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sử dụng 100%; ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ và tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%...

Thông tư ra đời đã mở toang cánh cửa cho ngành sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh phát triển. Tuy nhiên, để các quy định trong thông tư thực sự mang lại hiệu quả, ngành chức năng cần tham mưu không cấp phép đầu tư cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới các dự án sản xuất gạch đất sét nung. Đối với các lò sản xuất gạch thủ công, lò cải tiến đang hoạt động phải đặt ra lộ trình chấm dứt hoạt động trong thời gian sớm nhất. Tham mưu xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi về thuế và các hỗ trợ khác cho doanh nghiệp sản xuất VLXKN; phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu về công nghệ sản xuất VLXKN tiên tiến, hiện đại và tăng cường công tác quản lý chất lượng trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường theo quy định.

Lâm Phương

  • Từ khóa
108822

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu