Thứ 3, 30/04/2024 20:55:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:44, 21/03/2017 GMT+7

Gỡ nút thắt đầu tiên

Thứ 3, 21/03/2017 | 15:44:00 95 lượt xem
BP - Hiện nay, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian trực trong tuần dày và mất nhiều thời gian cho công việc khác. Đó là thông tin Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh báo cáo với đoàn công tác do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng làm trưởng đoàn tại buổi làm việc với Ban giám đốc Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới vào ngày 13-3 vừa qua.

Tính đến ngày 31-12-2016, Bệnh viện đa khoa tỉnh có 714 cán bộ, viên chức. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 95 người là bác sĩ, thiếu 60 bác sĩ theo quy định của Bộ Y tế; còn lại 619 người là các chức danh khác như y sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý, kế toán, văn thư, thủ quỹ, tài xế, bảo vệ... Năm 2016, bệnh viện khám bệnh ngoại trú cho hơn 172 ngàn lượt, điều trị nội trú hơn 37 ngàn lượt, thực hiện hơn 51 ngàn ca phẫu thuật, thủ thuật… Bệnh viện hiện có ban giám đốc, 16 khoa lâm sàng, 3 khoa cận lâm sàng và 4 khoa, phòng đang chuẩn bị thành lập. Chỉ tính tối thiểu mỗi khoa có 1 trưởng khoa, 1 phó khoa đã cho thấy có khoảng ½ số bác sĩ bên cạnh việc làm chuyên môn còn phải “kiêm” làm quản lý. Thêm vào đó là một hệ thống thủ tục hành chính, công tác đảng, hoạt động đoàn thể... của mỗi chi bộ, khoa, phòng và nhiều đầu công việc khác. “Điểm danh” như vậy để thấy khối lượng công việc đang khoác lên vai các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Thế nhưng có một thực tế khá khập khiễng là các ý kiến phản hồi về bác sĩ và Bệnh viện đa khoa tỉnh từ nhân dân lại chủ yếu không tích cực. Họ nhận được sự chỉ trích nhiều hơn là chia sẻ, cảm thông. Xã hội cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm về họ. Và sự chỉ trích, thiếu thiện cảm ấy cũng không phải không có lý do. Bởi bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh phải chứng kiến một môi trường không sạch sẽ, cơ sở vật chất xuống cấp đến mức bằng mắt thường cũng nhìn thấy. Bệnh viện được xây mới và đưa vào sử dụng năm 2002 với quy mô 300 giường, nhưng hiện nay đang hoạt động gấp 2 lần công suất thiết kế - làm nhiệm vụ của bệnh viện quy mô 600 giường. Trang thiết bị đã quá lạc hậu. Nhân lực thiếu nên rất ít bác sĩ có điều kiện tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu (có ai cố gắng học sau đại học, khi tốt nghiệp thì... chuyển công tác tới những nơi làm việc tốt hơn). Hệ quả là bệnh nhân thường xuyên phải lãnh hậu quả từ sự “lạc hậu” không chỉ của máy móc mà cả con người.

Sau 3 ngày làm việc với Ban giám đốc Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh, ngày 16-3, đoàn công tác do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng làm trưởng đoàn gặp mặt và đối thoại với 140 sinh viên tỉnh Bình Phước đang học hệ bác sĩ đa khoa tại TP. Hồ Chí Minh nhằm kêu gọi sinh viên sau khi ra trường hãy trở về đóng góp cho quê hương. Để một sinh viên tốt nghiệp y khoa trở thành một bác sĩ giỏi phải mất thời gian rất dài tự đào tạo tại bệnh viện và rất nhiều các khóa đào tạo nâng cao trình độ trong quá trình làm việc. Vì thế, để lấp được khoảng trống thiếu hụt bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh hiện nay và trong vài năm tới do một số bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu, là một bài toán bức thiết. Một mình ngành y tế chắc chắn không thể sớm khắc phục tình trạng này và cần có thời gian nhất định. Song, giải pháp trước mắt có thể thực hiện được ngay là khắc phục những bất lợi của Bình Phước trong cuộc cạnh tranh thu hút nhân lực với các địa phương khác bằng việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ đãi ngộ. Có như vậy bài toán thiếu bác sĩ mới gỡ được nút thắt đầu tiên - thu hút sinh viên y khoa tốt nghiệp về Bình Phước làm việc.

Trần Phương

  • Từ khóa
108601

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu