Thứ 2, 20/05/2024 03:44:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 19:43, 06/05/2013 GMT+7

Kiên quyết với hàng hóa kém chất lượng

Thứ 2, 06/05/2013 | 19:43:00 103 lượt xem

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua toàn văn ngày 20-6-2012 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Luật này thay thế cho Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Đây là công cụ quan trọng nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Đặc biệt là đối với ngành hải quan, Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều điểm mới tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý xuất nhập khẩu. 

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định cụ thể về những biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện đưa vào lãnh thổ nước Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật. Biện pháp khắc phục hậu quả này cũng được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế (Điều 32).

Ngoài quy định trên, Luật Xử lý vi phạm hành chính còn có những quy định nghiêm khắc đối với hành vi nhập khẩu hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại… Cụ thể: Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện (Điều 33).

Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng tăng thẩm quyền xử phạt của lực lượng hải quan. Cụ thể, công chức hải quan đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng; Đội trưởng thuộc chi cục hải quan, Đội trưởng thuộc chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 5 triệu đồng. Chi cục trưởng Chi cục hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, đội trưởng đội kiểm soát thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu, đội trưởng đội thủ tục hải quan;… có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 25 triệu đồng, được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 25 triệu đồng….

So với những quy định trong các Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, những quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có tính răn đe cao đối với các trường hợp vi phạm. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong thực thi nhiệm vụ và tạo thuận lợi, tăng hiệu lực, hiệu quả hành pháp cho cơ quan hải quan. Hy vọng rằng, với những quy định trên sẽ ngăn chặn hiệu quả nạn nhập khẩu hàng gỉ, hàng kém chất lượng và những ấn phẩm độc hại…

KC

  • Từ khóa
108335

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu