Thứ 2, 20/05/2024 01:24:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:08, 23/01/2013 GMT+7

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi vẫn còn những bất cập

Thứ 4, 23/01/2013 | 16:08:15 139 lượt xem

 

Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005. Luật này gồm 5 chương, với 77 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2006. Ngay sau khi ra đời, Luật Đấu thầu đã góp phần tích cực vào việc lập lại trật tự trong lĩnh vực đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu các công trình xây dựng; đồng thời hạn chế được nhiều tiêu cực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau gần 8 năm được áp dụng vào cuộc sống, Luật Đấu thầu đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và có quá nhiều kẽ hở và cần sớm được sửa đổi, bổ sung.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã công bố dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp trước khi trình Chính phủ để lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 6-2013. So với Luật đấu thầu hiện hành, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi gồm có 9 chương và 111 điều và có nhiều điểm mới, mở rộng hơn. Cụ thể, về việc lựa chọn nhà đầu tư, Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ đề cập đến vấn đề lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa và tư vấn, trong khi đó dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lại lựa chọn nhà đầu tư để nhà đầu tư đem tiền vào đầu tư dự án.

Về đấu thầu qua mạng, trước đây Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ có một điều về đấu thầu qua mạng thì Luật Đấu thầu sửa đổi có cả một chương về vấn đề này. Luật Đấu thầu sửa đổi lần này cũng bao quát luôn cả đấu thầu về dịch vụ sự nghiệp công và đấu thầu đối với các dự án ODA hay đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam ra nước ngoài…, sở dĩ những nội dung này được đưa vào luật bởi hiện nay Việt Nam có rất nhiều các dự án ODA và FDI ra nước ngoài, nhưng lại chưa có một cách làm thống nhất, vì thế rất cần có sự điều chỉnh phù hợp, để các dự án đầu tư được hiệu quả hơn. Chính từ những điểm mới này nên Luật Đấu thầu sửa đổi có nhiều ưu điểm, hứa hẹn sẽ tạo ra sự minh bạch, cạnh tranh hơn, đặc biệt sẽ giảm được tham nhũng trong quá trình thực hiện và cũng phân chia trách nhiệm rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, theo nhận xét của giới luật gia và nhiều doanh nghiệp lớn ở Bình Phước thì dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi vẫn còn bộc lộ những bất cập. Cụ thể là tại điểm b, Khoản 2, Điều 5 của dự thảo luật có quy định như sau: Nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam gói thầu tư vấn, xây lắp, hỗn hợp phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam. Giá trị khối lượng công việc dành cho nhà thầu Việt Nam không thấp hơn 30% giá dự thầu trong trường hợp nhà thầu Việt Nam đủ khả năng thực hiện. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

Với quy định trên, khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam gói thầu tư vấn, xây lắp, hỗn hợp thì bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ của Việt Nam là đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của cạnh tranh rộng rãi, công bằng, kinh tế và hiệu quả.

Điều bất cập thứ hai là tại điểm b, khoản 1, Điều 13 của dự thảo luật có quy định như sau: Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu. Theo đó, yêu cầu độc lập về tài chính giữa các nhà thầu như quy định trên là yêu cầu chỉ áp dụng đối với những “nhà thầu hạn chế”. Và quy định như thế là chưa đủ, mà yêu cầu độc lập về tài chính cần được áp dụng đối với tất cả các phương pháp đấu thầu và giữa tất cả các bên liên quan trong đấu thầu, gồm: Nhà thầu, bên mời thầu, cơ quan thẩm định, phê duyệt, nhà tài trợ,… Có như vậy mới tránh được sự xung đột lợi ích và tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình đấu thầu…                                                                                                          

ĐT

  • Từ khóa
108332

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu