Thứ 2, 20/05/2024 03:44:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:37, 28/08/2012 GMT+7

Nên hay không nên?

Thứ 3, 28/08/2012 | 15:37:00 119 lượt xem

Luật Luật sư đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua toàn văn ngày 29-6-2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007. Sau hơn 5 năm qua, tổ chức luật sư góp phần tích cực bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý kinh tế và quản lý xã hội theo pháp luật; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức;… Tuy nhiên, Luật Luật sư cũng đã bộc lộ những bất cập, nhất là chất lượng của đội ngũ luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là trong điều kiện cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Do vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp soạn thảo dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Hiện dự thảo luật này đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. So với luật hiện hành, Dự thảo Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm mới. Và một trong những vấn đề được giới luật sư cũng như đông đảo nhân dân quan tâm là việc có hay không cho phép cán bộ, công chức, nhất là những người đang làm công tác giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành pháp luật.

Tại điểm a, Khoản 4, Điều 17 về việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư có quy định về điều kiện người không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư là “4. Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư: a) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân”. Với quy định này cũng có nghĩa là tất cả những giảng viên chuyên ngành Luật ở tất cả các trường đại học, cao đẳng và các giảng viên ở Khoa Nhà nước và pháp luật của các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia... sẽ không được phép tham gia các đoàn luật sư.

Về vấn đề này, hiện nay, góp ý cho Dự thảo Luật Luật sư, ngay trong giới luật sư và luật gia ở Bình Phước cũng có hai luồng ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất là không thay đổi quy định trên, tức là không đồng ý với việc cho phép công chức hành nghề luật sư. Lý do mà những người không đồng tình đưa ra là việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực và tạo ra khả năng làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Hơn nữa, hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng (tức là chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính), do đó nếu giảng viên được hành nghề luật sư sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề.

Loại ý kiến thứ hai là đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung quy định trên theo hướng cho phép các công chức hiện đang là những giảng viên chuyên ngành Luật ở tất cả các trường đại học, cao đẳng và các giảng viên ở Khoa Nhà nước và pháp luật của các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia... được phép tham gia các đoàn luật sư. Vì trong số này nhiều người chuyên môn sâu, được đào tạo cơ bản ở trong nước và cả ở nước ngoài, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu về pháp luật và tập quán quốc tế… nên sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư. Ngược lại, nếu không cho phép thì sẽ là một sự lãng phí.

Trung hòa với hai luồng ý kiến trên, theo người viết bài này thì không nên cấm hẳn việc công chức hành nghề luật sư, mà ngược lại có thể cho phép họ hành nghề luật sư, nhưng giới hạn họ chỉ được phép tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, chứ không được phép tham gia tố tụng. Dẫu sau thì đây cũng mới chỉ là ý kiến của cá nhân và người viết bài này rất mong nhận được bài viết góp ý chân tình của bạn đọc gần xa.

NV

  • Từ khóa
108325

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu