Thứ 2, 20/05/2024 02:34:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:31, 06/07/2012 GMT+7

“Tuyên chiến” với tham nhũng

Thứ 6, 06/07/2012 | 10:31:00 123 lượt xem

Tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Nếu tất cả chúng ta, ai cũng sợ tố cáo tham nhũng sẽ bị trù dập, bị liên lụy thì chắc chắn chẳng còn ai dám tố cáo cả. Như vậy đất nước sẽ càng đi xuống, tham nhũng càng có đất lộng hành. Do đó, tôi kêu gọi người dân cần tích cực chung vai với Đảng, Nhà nước chống tham nhũng để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đất nước ngày càng dân chủ, phồn vinh” (báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26-6-2012).

Tham nhũng đang trở thành một “quốc nạn”. Hầu như ở bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào khi cơ quan chức năng “sờ” đến cũng phát hiện sai sót, tham nhũng. Nhiều “công bộc” của dân đang sở hữu những khối tài sản rất lớn nhưng nguồn gốc mập mờ khiến dư luận không khỏi đặt nghi vấn. Tham nhũng được ví như loài ký sinh trên cơ thể. Càng nhiều tham nhũng thì đất nước sẽ ngày càng nghèo đi. Đồng thời dẫn đến sự phân hóa khoảng cách giàu, nghèo trong xã hội ngày càng rộng ra, nếu không được giải quyết sẽ tiềm ẩn nhiều bất ổn. Không phải đến bây giờ lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới “tuyên chiến” với tham nhũng. Cách đây gần 20 năm, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 1-1994), Đảng ta đã xác định 4 nguy cơ trước mắt, đó là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế là mảnh đất “màu mỡ” để nảy sinh tham nhũng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đánh giá: “Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước; đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”. Các hình thức tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi Luật Phòng, chống tham nhũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Chống tham nhũng là cuộc chiến lâu dài đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đảng quản lý toàn diện công tác cán bộ nhưng nhiều cấp ủy, tổ chức đảng giảm sút sức chiến đấu, buông lỏng quản lý nên bị các “quan tham” vô hiệu hóa. Vì vậy, muốn chống tham nhũng hiệu quả, trước hết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng phải thực hiện nghiêm minh. Đồng thời phải “chịu đau”, sử dụng “bàn tay sạch” để sàng lọc, loại trừ các mầm mống tham nhũng ra khỏi bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Ngọc Huỳnh

  • Từ khóa
108323

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu