Chủ nhật, 19/05/2024 23:56:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:03, 23/04/2012 GMT+7

“Cái tâm, cái tầm” của người đứng đầu

Thứ 2, 23/04/2012 | 16:03:00 570 lượt xem

Những giải pháp đối với tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định: “Thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó...”.

Đây là chủ trương mới mang tính đột phá trong công tác tổ chức, cán bộ nhằm đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu. Đại thi hào Nguyễn Du đã khẳng định

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tâm ở đây được hiểu là tấm lòng, là thái độ đối nhân xử thế, là trách nhiệm của bản thân đối với công việc... Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đức” và “tài” phải đi song song với nhau “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đối với người cách mạng thì đạo đức phải được đặt lên hàng đầu. Người quan niệm “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Nếu người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị có đạo đức, cái tâm trong sáng, có tầm nhìn chiến lược, có năng lực lãnh đạo, điều hành, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng... thì việc họ được giao quyền lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó sẽ mang lại hiệu quả cao. Bởi trong thực tế, hầu hết người đứng đầu thường nắm rõ năng lực, sở trường của cấp dưới. Những người được lựa chọn, giới thiệu chắc chắn sẽ đủ sức gánh vác những nhiệm vụ được giao. Thực hiện chủ trương này cũng là giải pháp giảm thiểu tình trạng mất đoàn kết, không thống nhất, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong tập thể cấp ủy, ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị do cục bộ địa phương, phe cánh.

Ngược lại, khi quyền lực được tập trung trong tay những người bảo thủ, cái tâm không trong sáng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, kéo bè, kéo cánh... sẽ cực kỳ nguy hiểm. Họ sẽ “ưu tiên” lựa chọn, giới thiệu những người thân tín, hợp “cạ” với mình bất chấp người đó có năng lực, trình độ, có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Từ đó sẽ xuất hiện những liên minh quyền lực “nhất hô bá ứng” thao túng mọi hoạt động của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đây cũng là kẽ hở để những cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất mua quan, bán chức với những chiêu bài hứa hẹn “sẽ chú ý cất nhắc cấp dưới để đưa vào vị trí này, vị trí nọ...”.

Một chủ trương đưa ra cần một khoảng thời gian nhất định để thực tiễn chứng minh là đúng hay chưa đúng, phù hợp hay không phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ muốn thành công thì rất cần “cái tâm, cái tầm” của người đứng đầu.

Chính Trực

  • Từ khóa
108317

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu