Thứ 2, 20/05/2024 01:24:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:52, 16/03/2012 GMT+7

Từ vụ Tiên Lãng nghĩ về vai trò của truyền thông

Thứ 6, 16/03/2012 | 13:52:00 135 lượt xem

Xuất phát từ quan điểm “dân là gốc”, nên từ xa xưa các bậc đế vương không chỉ biết lắng nghe các bản tấu trình của các quan lại, mà còn thường xuyên có các chuyến vi hành với mục tiêu để nắm thông tin về dân chúng một cách đầy đủ nhất. Vì nếu không có đầy đủ thông tin, các quyết định của triều đình khó chính xác, đúng đắn, hợp tình hợp lý được.

Trong vụ Tiên Lãng, Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác của nhiều bộ, ngành ở trung ương về kiểm tra. Đặc biệt là Chính phủ đã lắng nghe ý kiến phản hồi của các cơ quan thông tin đại chúng. Chính vì thế, trong bản kết luận về vụ Tiên Lãng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương: “Chính phủ hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng còn nhấn mạnh: Yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân.

Không những thế, người đứng đầu Chính phủ còn: Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm để báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng trong bản kết luận này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận rằng, những bản báo cáo về vụ Tiên Lãng mà Thủ tướng nhận được trước đó là những “báo cáo chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc với Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện cung cấp thông tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận”. Và có thể vụ Tiên Lãng sẽ xoay sang hướng khác nếu như báo chí nhất loạt nghe theo các thông tin mà chính quyền thành phố Hải Phòng, Công an Hải Phòng, chính quyền huyện Tiên Lãng chủ động cung cấp, đặc biệt là bản báo cáo về vụ việc của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng... Đây là những báo cáo mà nếu dễ dãi, bất kỳ ai cũng thấy nó hợp lý và đúng đắn!

Có thể nói, vụ Tiên Lãng là một minh chứng rất rõ về vai trò cực kỳ quan trọng của công tác truyền thông nói chung và báo chí nói riêng. Và vụ việc này đã đánh dấu một bước ngoặt về truyền thông chính trị ở nước ta ngày nay. Bởi cũng từ đây, các quan chức không thể phát ngôn bừa bãi theo kiểu lấp liếm, qua chuyện và sẽ phải cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói cũng như ký tên dưới các bản báo cáo.

ĐT

  • Từ khóa
108316

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu