Thứ 2, 20/05/2024 04:30:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 00:00, 20/10/2011 GMT+7

Những bất cập của Bộ luật Dân sự

Thứ 5, 20/10/2011 | 00:00:00 133 lượt xem

Bộ luật Dân sự hiện hành được Quốc hội khóa XI, kỳ họp lần thứ 7 thông qua toàn văn ngày 14-6-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006. Sau hơn 6 năm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Bộ luật Dân sự đã và đang bộc lộ những bất cập. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất cập này là do có nhiều quy định trong bộ luật không phù hợp truyền thống cũng như thực tiễn cuộc sống hội nhập hiện nay.

Điều mà ai cũng biết là, sức sống và sự trường tồn của bộ Luật Dân sự là phải được xây dựng trên nền tảng văn hóa của từng quốc gia. Hay nói một cách khác là một Bộ luật Dân sự của nước nào cũng chỉ có thể khả thi và có tính trường tồn nếu nó phản ánh được đặc trưng văn hóa quốc gia, dân tộc đó. Thế nhưng trong Bộ luật Dân sự hiện hành của nước ta không thấy bóng dáng kế thừa các bộ luật cổ như Luật Hồng Đức, Hoàng Việt Luật lệ, Luật Gia Long… Trong khi đó, không ít quy định trong bộ luật Dân sự hiện hành hoàn toàn xa lạ với truyền thống người Việt.

Ví dụ như quy định của Luật Dân sự về hộ gia đình. Phong tục của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay không quen với việc bố mẹ quyết định việc gì liên quan đến tài sản phải hỏi ý kiến con cái. Thế nhưng tại Điều 109 lại quy định việc định đoạt tài sản chung của hộ gia đình phải được sự đồng ý của các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên. Cụ thể, Điều 109 có quy định về “Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình”, như sau: “1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận. 2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý”.

Tương tự, tại Điều 107 về “Đại diện của hộ gia đình” với nội dung như sau: 1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự. 2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình”. Trong khi đó, thực tế phong tục của người Việt chỉ có khái niệm “chủ gia đình”. Mà chủ gia đình thường là người cao tuổi hơn, có khả năng và phải quán xuyến những việc chung. Đó là một trật tự đã tồn tại từ đời này qua đời khác và được mọi người tôn trọng.

Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, do có nhiều quy định xa thực tế trong Luật Dân sự hiện hành nên đã gây ra nhiều hệ lụy rắc rối, thậm chí bi đát. Chẳng hạn như quy định về thời hiệu khởi kiện đối với quyền thừa kế. Theo phong tục của người Việt, thông thường bố mẹ chết để lại di sản cho con cái và cứ thế truyền qua đời này đến đời khác. Thế nhưng, trong Luật Dân sự lại đưa ra quy định: Trong vòng 10 năm nếu không khởi kiện chia tài sản thì người thừa kế mất quyền sở hữu đối với những tài sản do cha mẹ, ông bà… để lại.

Hay như tại Điều 479 có quy định về việc chơi hụi như sau: 1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. 2. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”. Ai cũng biết việc chơi hụi để giúp nhau trong nhân dân vốn là một hoạt động truyền thống tốt đẹp của người Việt. Thế nhưng, trong Luật Dân sự lại quy định quá chung chung, không rõ ràng nên dẫn đến hệ lụy là nhiều trường hợp người chơi hụi đã bị khởi tố và sự việc dân sự đã bị hình sự hóa. Hơn nữa, luật chỉ quy định là “Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”, chứ không có chế tài đối với hành vi này. Chính vì vậy, đã có không ít kẻ xấu lợi dụng và vụ bể hụi lên đến hàng tỷ đồng ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vừa qua là một minh chứng.

Một quy định khác nữa (trong Điều 476) được cho là không phù hợp thực tế là quy định về lãi suất vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Nội dung Điều 476 quy định về lãi suất như sau: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. 2. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Thế nhưng trên thực tế lãi suất cơ bản hiện nay do Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%. Như vậy, người dân chỉ được phép cho nhau vay với lãi suất không quá 13,5%, trong khi đó lãi suất thực tế của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện cũng đã vượt quá 20%. Và chính vì quy định như trên cho nên khi có tranh chấp xảy ra, người phải chịu thiệt lài là người có tiền cho vay.

LG

  • Từ khóa
108311

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu