Thứ 2, 20/05/2024 01:32:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 00:00, 28/09/2011 GMT+7

Chưa xứng với tiềm năng

Thứ 4, 28/09/2011 | 00:00:00 181 lượt xem

Sau hơn một thế kỷ kể từ khi được du nhập về Việt Nam, cây cao su đã trở thành cây trồng chủ lực của các tỉnh ở miền Đông Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ. Sau ngày đất nước được thống nhất, Nhà nước đã cho thành lập Tổng cục Cao su Việt Nam. Sau đó, Tổng cục cao su được chuyển thành Tổng công ty 91. Đến năm 2003, Tổng công ty Cao su Việt Nam được nâng lên thành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Tuy là tập đoàn công nghiệp, nhưng gần một thập kỷ trôi qua, ngành cao su Việt Nam hiện vẫn còn đang loay hoay trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì hiệu quả kinh tế của tập đoàn vẫn chủ yếu là từ hoạt động trồng và cạo mủ cao su đem xuất khẩu. Chính vì thế mà tuy diện tích cũng như sản lượng cao su hàng năm của Việt Nam chỉ đứng hàng thứ 6, nhưng lại là quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên đứng hàng thứ tư trên thế giới. Điều này cho thấy, phần lớn sản lượng mủ cao su của nước ta được mang đi xuất khẩu. Thực tế là tuy nắm trong tay nguồn nguyên liệu chính của ngành công nghiệp cao su, nhưng đến nay Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn chưa đầu tư xây dựng được bất cứ một nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su nào cho xứng tầm với tên gọi. Các doanh nghiệp sản xuất vỏ, ruột xe các loại ở Việt Nam hiện nay như: Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam - Casumina và Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng - DRC đều thuộc Tập đoàn Hóa chất.

Do đó, đã có không ít người đặt câu hỏi: Tại sao tập đoàn không tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có của mình để phát triển ngành công nghiệp sản xuất các loại sản phẩm cao su cao cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước? Lý giải về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện chưa đủ tiềm lực về tài chính để phát triển sang lĩnh vực công nghiệp. Song, đây là ý kiến hoàn toàn không đúng, vì gần chục năm qua ngành cao su liên tiếp bội thu vì vừa được mùa lại được giá. Nhờ đó, trong những năm gần đây, tập đoàn đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất xi măng và đặc biệt là mở rộng diện tích trồng cao su ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc và cả ở nước ngoài là Vương quốc Campuchia, Lào...

Đã là quá muộn nếu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không phát huy tốt lợi thế về vùng nguyên liệu dồi dào và rộng lớn để đầu tư phát triển ngành công nghiệp cao su kỹ thuật cao... Và có như vậy thì sự phát triển của tập đoàn mới không bị “khập khiễng”, đồng thời không những vị thế của ngành cao su Việt Nam sẽ được nâng cao trong lĩnh vực xuất khẩu, mà còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước về sản phẩm cao su công nghiệp...

Kim Ngọc

  • Từ khóa
108309

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu