Thứ 2, 20/05/2024 01:24:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 00:00, 10/09/2011 GMT+7

Chưa phú quý đã sinh lễ nghĩa

Thứ 7, 10/09/2011 | 00:00:00 209 lượt xem

Thấy bà hàng xóm có vẻ đăm chiêu, tôi lân la hỏi chuyện. Bà vừa thở dài vừa nói: “Khổ lắm bác ơi, thằng con trai đầu của tôi sắp lấy vợ. Con người ta hiểu biết hoàn cảnh cha mẹ nên đám cưới không gì đáng bàn. Đằng này, con tôi đua đòi theo chúng bạn chắc vợ chồng tôi phải cầm nhà để lo đám cưới cho nó”.

Bà hàng xóm của tôi vốn là cô giáo dạy trẻ, nay đã về nghỉ “một cục”. Còn ông chồng là một viên chức mẫn cán và hoàn cảnh kinh tế chỉ mới tạm đủ ăn đủ mặc. Bà ấy có hai người con và con trai lớn sắp lấy vợ, đứa nhỏ thì đang học phổ thông. Ngày đứa con trai tốt nghiệp cấp ba, gia đình hướng nghiệp thi vào đại học. Thằng bé chơi nhiều hơn học nên nằng nặc đòi học lái xe. Học lái xe nó bỏ ngang nửa chừng đi học nghề khác. Con nhỏ nó thương là bạn thời “nối khố”. Vậy là ổn rồi có gì đâu mà bà ấy phải buồn? Gạt vội nước mắt bà hàng xóm thì thào, bạn bè nó đã nhiều đứa thành gia thất nay đến nó là điều đương nhiêu. Thế nhưng, những đòi hỏi quá đáng của nó so với hoàn cảnh gia đình mới làm cho tôi đau lòng. Ngừng một lúc bà hàng xóm lại kể tiếp, thằng bé đi dự nhiều đám cưới của bạn bè nên về ra điều kiện cho gia đình hôn lễ phải chọn nhà hàng to, đẹp nhất thị xã. Nhẫn cưới là một cặp hạt xoàn gần ba chục triệu đồng, rồi vòng cổ, bông tai, vòng tay… có trọng lượng hẳn hoi. Trước ngày cưới phải đi công viên Mỹ Lệ chụp hình, quay phim mười triệu đồng. Áo cưới cô dâu chú rể phải may ba bộ/người chứ không thuê vì quê một cục… có như vậy mới nở mày nở mặt với bạn bè. Dự tính những khoản trên tròm trèm trăm triệu đồng. Nếu không đáp ứng được thì không có chuyện cưới xin hay học hành gì hết. “Với hoàn cảnh của tôi bây giờ thì đào đâu ra chục triệu bạc, nói gì đến trăm triệu, còn sính lễ, tiệc tùng khách khứa… Là đàn bà với nhau, tôi rủ rỉ: “Hay là mình chơi món tâm lý chiến với đứa con dâu”. “Ôi dào, bề ngoài thì nó dạ vâng, bên trong thì làm sao tôi biết được, vì mình đã tâm sự nhiều, nói nhiều mà chẳng ăn thua, giờ không biết tính sao”, bà hàng xóm nói.

Về tới nhà rồi mà câu chuyện của bà hàng xóm cứ làm tôi băn khoăn mãi. Không biết cuộc “chạy đua” “phú quý sinh lễ nghĩa” trong tiệc cưới đến bao giờ mới chấm dứt. Nếu ai cũng muốn nở mặt nở mày trong hôn lễ như trên, nhưng để cha mẹ phải chạy đôn chạy đáo, thậm chí là cầm cố nhà đất thì hạnh phúc đó cũng chỉ là sự giả tạo.

Gia Nghi

  • Từ khóa
108308

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu