Thứ 2, 20/05/2024 03:20:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 00:00, 25/07/2011 GMT+7

Những bất cập trong xử phạt vi phạm hành chính

Thứ 2, 25/07/2011 | 00:00:00 379 lượt xem

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính mới được sửa đổi năm 2008 nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Hơn nữa, cùng song song tồn tại và có hiệu lực thi hành với pháp lệnh là các luật và nghị định với nhiều quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật chuyên ngành nên đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Và nội dung bài viết dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc về những bất cập trong lĩnh vực này.

Ai cũng biết việc xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng với những người có hành vi gây ra lỗi. Nhưng ở những vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh như ở thị xã Đồng Xoài ngay sau khi tỉnh Bình Phước được tái lập và nhu cầu xây dựng cao, thì nguyên nhân vi phạm nhiều khi không hẳn thuộc về người dân, mà do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương. Và theo quy định thì ở những vùng đã quy hoạch sẽ không cấp đăng ký kinh doanh, song nếu kinh doanh không đăng ký thì sẽ bị phạt theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP (trước đây là Nghị định 88). Nhưng, trên thực tế rất nhiều dự án không được triển khai, nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng, người dân không được đền bù, tái định cư nên vẫn phải sinh sống và kiếm sống trên chính mảnh đất của mình và thế là vi phạm nên phải bị phạt. Điều này cho thấy, lỗi không phải do người dân không muốn đăng ký kinh doanh mà là không được đăng ký kinh doanh.

Về thẩm quyền xử phạt hành chính được quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, trong Luật Thanh tra và trong rất nhiều nghị định quy định chi tiết thi hành các luật chuyên ngành. Chính vì có quá nhiều văn bản quy định nên đã dẫn đến sự chồng chéo các quy định về thẩm quyền xử phạt. Cụ thể là tại Điều 40 c trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính quy định: Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh chỉ được xử phạt đến 70 triệu đồng là không phù hợp với Luật Cạnh tranh. Hoặc Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính không quy định thẩm quyền của Chánh thanh tra tổng cục, thanh tra cục, nhưng các nghị định lại quy định. Cụ thể là trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Hay trong Nghị định xử phạt trong lĩnh vực hóa chất tách thẩm quyền xử phạt về ngành công thương, nhưng chức năng, nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực này từ trước đến nay thuộc cơ quan Quản lý thị trường (Bộ Tài chính). Nghị định 40/2009/NĐ-CP xử phạt về thú y quy định chỉ có thanh tra thú y mới có thẩm quyền xử phạt, nhưng hiện nay thanh tra thú y mới chỉ có ở cấp bộ, cấp tỉnh chứ chưa có ở cấp huyện, cơ sở…

Một bất cập nữa là nếu thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì trong hầu hết các trường hợp vi phạm và cấp cơ sở chỉ kiểm tra, phát hiện vi phạm rồi lập biên bản, báo cáo cấp trên, dẫn đến tình trạng quá tải ở cấp trên. Mặc dù quy định hiện nay đã nâng dần thẩm quyền xử phạt của cấp xã từ 500.000 lên 2 triệu đồng, cấp huyện từ 10 triệu lên 20 triệu nhưng cấp xã vẫn không phạt được vì phần lớn các hành vi vi phạm đều có mức phạt cao hơn, nên lại phải chuyển lên cấp quận, huyện. Quy định như vậy vô hình trung đã làm yếu đi chức năng quản lý cấp cơ sở. Mặt khác, một hành vi vi phạm có khi lại do nhiều cơ quan cùng xử phạt: thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, quản lý trật tự đô thị… dẫn đến “loạn” xử phạt, công tác phối hợp giữa các lực lượng rất yếu, quyền ai người nấy phạt, chồng chéo với nhau là chuyện thường xảy ra.

Trong nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính, các mức phạt đôi khi cũng chồng chéo nhau và không hợp lý. Chẳng hạn, Nghị định 111/2009/NĐ-CP xử phạt trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quy định mức phạt tối đa 100 triệu, nhưng Pháp lệnh chỉ quy định mức phạt cao nhất trong an toàn bức xạ là 70 triệu đồng. Hay như trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng đường phố để bày bán hàng hóa… là quá cao, không khả thi đối với những người buôn bán nhỏ. Phần lớn những người này không có tài sản, không có tài khoản nên không thể cưỡng chế được, còn tịch thu phương tiện, dụng cụ thì không có nơi cất giữ, thủ tục thanh lý phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức. Ngược lại, mức phạt 300.000-600.000 đồng hành vi vi phạm điều kiện vệ sinh là quá thấp đối với nhà hàng lớn nhưng lại quá cao đối với bán hàng vỉa hè.

Thực tiễn với nhiều bất cập, chồng chéo như vậy đòi hỏi cần có một khung pháp lý thống nhất, lập lại trật tự về xử phạt vi phạm hành chính, để phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, phát huy hiệu quả răn đe, giáo dục, chứ không nhằm là phạt được bao nhiêu tiền, thu được nhiều phương tiện, tháo dỡ được nhiều công trình xây dựng…

Từ thực tế trên cho thấy, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đã là “chiếc áo” quá chật và cần được nâng cấp thành luật với những quy định cụ thể về mức phạt đối với từng hành vi vi phạm trong từng từng ngành, từng lĩnh vực khác nhau. Có như vậy thì quy định của pháp luật mới đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực.

NV

  • Từ khóa
108304

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu