Chủ nhật, 19/05/2024 23:56:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 00:00, 17/07/2011 GMT+7

Nghịch lý… “vàng đen”!

Chủ nhật, 17/07/2011 | 00:00:00 117 lượt xem

Việt Nam là quốc gia có trữ lượng than dồi dào. Theo số liệu khảo sát của Tập đoàn Công nghiệp Than - Kháng sản Việt Nam (TKV), chỉ tính riêng ở khu vực Đông Bắc mà “đại bản doanh” là tỉnh Quảng Ninh, chúng ta đã có khoảng 10,5 tỷ tấn. Trong đó, TKV đã tìm kiếm, thăm dò được 3,5 tỷ tấn, chủ yếu là than antraxit chất lượng tốt. Mỗi năm ngành than khai thác đạt sản lượng bình quân khoảng 40 triệu tấn. Nhu cầu sử dụng than trong nước bình quân khoảng 20 triệu tấn/năm, chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện. Điều đó có nghĩa là, chúng ta mới chỉ sử dụng 50% sản lượng than khai thác, phần còn lại dành cho xuất khẩu.

Thế nhưng mới đây, TKV trình Bộ Công thương phương án xin phép Chính phủ cho thực hiện thí điểm việc nhập khẩu than và đã được chấp thuận. 9.570 tấn than nhập khẩu từ Indonesia đã chính thức cập cảng Cát Lái (Đồng Nai) vào chiều 13-6-2011. Tại sao mỗi năm chúng ta xuất khẩu hàng chục triệu tấn than mà phải …nhập khẩu than? Lãnh đạo TKV giải thích: Than khai thác trong nước là than antraxit giá trị kinh tế cao, chủ yếu sử dụng trong ngành luyện kim, hóa chất. Thế nhưng, than ở Việt Nam hầu hết sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện, công nghệ lạc hậu nên gây lãng phí lớn. Vì vậy, TKV xin Chính phủ nhập khẩu loại than bitumimous giá rẻ để cung cấp cho các nhà máy này. Cách giải thích của TKV mới nghe qua thì rất hợp lý về mặt giá trị kinh tế, nhưng suy ngẫm thật kỹ thì không ổn - xét ở tầm vĩ mô trong quản lý, điều hành. Đặc biệt, than được ví là “vàng đen” của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ổn định năng lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ồ ạt xuất khẩu than tốt với giá cao rồi nhập về than kém chất lượng, giá thấp để sử dụng trong nước, phải chăng TKV đang “tham của bán duyên”?

Trữ lượng than của chúng ta dù có lớn đến bao nhiêu cũng không phải vô tận. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Công thương và các ngành chức năng, đặc biệt là TKV cần có chiến lược khai thác một cách khoa học, hợp lý; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lãng phí và thất thoát loại tài nguyên quý giá này. Đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhu cầu sử dụng tài nguyên, năng lượng là rất lớn. Trong quá trình phát triển và hội nhập, việc xuất khẩu - nhập khẩu là chuyện bình thường. Nhưng xuất mặt hàng nào, giá cả ra sao, nhập mặt hàng nào, phục vụ nhu cầu gì là điều cần tính toán thật kỹ. Đừng vì cái lợi trước mắt mà dồn sức xuất khẩu, từ than, gạo, cà phê, cao su… rồi nhập về bia, rượu và các mặt hàng xa xỉ để thể hiện “đẳng cấp” của sự phát triển. Sau nhập khẩu than, có thể khoảng 5 - 10 năm nữa trong danh mục các mặt hàng chúng ta phải nhập khẩu sẽ có thêm cao su, gạo, hàng thủy sản… nếu không có chiến lược ngay từ bây giờ.

Chính trực

  • Từ khóa
108303

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu