Thứ 2, 20/05/2024 02:22:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:36, 05/06/2011 GMT+7

Điều bất cập trong luật lao động

Chủ nhật, 05/06/2011 | 16:36:00 266 lượt xem

Tại Khoản 2, Điều 35 Bộ luật Lao động hiện hành có quy định như sau: “Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ)... người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải trao đổi, nhất trí với ban chấp hành công đoàn cơ sở... Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động (NLĐ) có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định”.

Theo quy định trên, trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc sa thải NLĐ hoặc cho nhiều NLĐ dư thừa nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải trao đổi thống nhất hoặc mời ban chấp hành công đoàn cơ sở của doanh nghiệp tham gia xử lý kỷ luật lao động. Vấn đề đặt ra ở đây là đối với những doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc sa thải NLĐ diễn ra như thế nào? Trên thực tế thì việc NSDLĐ vẫn đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, nhưng không hề có thủ tục trao đổi, thống nhất với ban chấp hành công đoàn cơ sở như pháp luật quy định, đơn giản vì ở doanh nghiệp này không có tổ chức công đoàn.

Và bất cập phát sinh từ đây, vì trong thực tế có không ít NLĐ vi phạm kỷ luật lao động và đã bị NSDLĐ quyết định sa thải nhưng ở doanh nghiệp này không có tổ chức công đoàn nên NSDLĐ đã bị NLĐ kiện ra tòa. Thậm chí có không ít NLĐ bị sa thải do những sai phạm hết sức rõ ràng và nghiêm trọng nhưng vẫn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi bồi thường và tự tin chắc thắng vì họ biết rằng doanh nghiệp sẽ bị xem là vi phạm khi sa thải họ mà không có sự tham gia của tổ chức công đoàn. Và thực tế đã có NSDLĐ buộc phải nhận lại NLĐ và bồi thường cho họ thu nhập trong suốt thời gian bị chấm dứt HĐLĐ hoặc sa thải.

Nhằm khắc phục điều bất cập trên, các quy định trên cần được sớm sửa đổi bổ sung theo hướng: Thứ nhất là đối với doanh nghiệp có tổ chức công đoàn nhưng NSDLĐ không trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc không mời BCH tham gia khi xem xét xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ thì bị coi là vi phạm thủ tục chấm dứt HĐLĐ, thủ tục xử lý kỷ luật lao động. Thứ hai là khi NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ mà không thực hiện được thủ tục trao đổi nhất trí với tổ chức công đoàn hoặc không có sự tham gia của đại diện tổ chức công đoàn vì lý do ở doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, thì không bị coi là vi phạm thủ tục chấm dứt HĐLĐ hoặc thủ tục xử lý kỷ luật lao động.

N.V

  • Từ khóa
108293

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu