Thứ 2, 20/05/2024 03:30:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:30, 24/05/2011 GMT+7

Chi phí hợp lý

Thứ 3, 24/05/2011 | 16:30:00 98 lượt xem

Chi phí nào được coi là hợp lý, hợp lệ để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp là vấn đề đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm; đồng thời đã có không ít kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về mức thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo Thông tư 130/2008/TT-BTC, ngoại trừ 31 khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi phí nếu khoản chi phí này có liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Quy định này mới đầu xem ra rất đơn giản, chặt chẽ và thông thoáng, nhưng sau hơn hai năm áp dụng vào thực tế cuộc sống đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Cụ thể là hiện nay, các khoản chi phí cần thiết và hợp lý, như phụ cấp xăng xe, tiền điện thoại, phụ cấp tiền ăn, ở khi người lao động đi công tác... nhằm bảo đảm thu nhập cho người lao động trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhưng không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Hơn nữa, việc xác định khoản chi phí nào có liên quan đến sản xuất - kinh doanh thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ đánh giá và nhận thức của kế toán trong doanh nghiệp. Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước chưa xây dựng được một bộ tiêu chuẩn định mức hoàn chỉnh về chi phí cho các ngành kinh tế, khu vực kinh tế, vùng địa lý, thì việc ghi nhận chi phí nào là hợp lý lại tùy thuộc vào sự thỏa hiệp giữa nhân viên kế toán với công chức của ngành thuế phụ trách việc quyết toán thuế của doanh nghiệp. Thực tế này đã gây ra sự nhũng nhiễu, thông đồng, mặc cả giữa công chức thuế và doanh nghiệp và hậu quả là gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Một bất cập nữa trong việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành là mức khống chế tiền ăn giữa ca của người lao động với mức 450.000 đồng/tháng để trừ chi phí là không phù hợp. Vì giá hàng hóa lương thực, thực phẩm đã tăng cao so với thời điểm Thông tư số 130/2008/TT-BTC có hiệu lực thi hành.

Nhằm thực hiện chính sách ưu đãi đối với người lao động, khuyến khích doanh nghiệp chăm lo đến đời sống của công nhân, đã đến lúc các ngành chức năng cần có đề xuất để Bộ Tài chính sớm sửa đổi và ban hành các quy định cụ thể về cách tính như thế nào là chi phí hợp lý, đồng thời bỏ việc khống chế mức tiền ăn giữa ca của người lao động đối với các doanh nghiệp.

N.V

  • Từ khóa
108292

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu