Thứ 2, 20/05/2024 04:30:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 17:50, 03/05/2011 GMT+7

Thước đo sự trung thực

Thứ 3, 03/05/2011 | 17:50:00 107 lượt xem

Ngày 22-5 tới, tất cả cử tri sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và là ngày hội của toàn dân. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho cử tri chọn đúng những người có đủ đức và tài vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và ở các địa phương thì việc công khai tài sản, thu nhập của ứng cử viên là cần thiết và là việc nên làm.

Ngày nay ở nhiều nước trên thế giới, việc công khai tài sản của các nghị sĩ Quốc hội là bắt buộc. Thậm chí có nước còn để toàn bộ hồ sơ, lý lịch, trong đó có cả bản kê khai tài sản cụ thể, chi tiết của từng nghị sĩ trong thư viện Quốc hội. Tất cả mọi người dân, ai cũng có quyền đọc, ghi chép hồ sơ, tài sản, thu nhập của nghị sĩ Quốc hội.

Ở nước ta, các quy định về công khai tài sản, thu nhập của ứng cử viên các cơ quan dân cử được thể hiện rất rõ trong Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai trung thực mọi tài sản và sự biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình; của vợ/chồng và con chưa thành niên. Theo đó, tài sản phải kê khai gồm nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên ở trong và ngoài nước; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật. Do đó, tất cả các ứng cử viên có trách nhiệm gửi bản kê khai tài sản, thu nhập (theo mẫu kê khai tài sản, thu nhập do Hội đồng Bầu cử Quốc hội khóa XIII ban hành) cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Vẫn biết rằng, tài sản là bí mật đời tư của công dân và các ứng cử viên chỉ có trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, nhưng cử tri lại có quyền biết về tài sản, thu nhập của ứng cử viên cơ quan dân cử. Vì vậy, khi tiếp xúc cử tri và nhất là đối với cử tri nơi cư trú, nếu có cử tri muốn biết về bản kê khai tài sản của ứng cử viên thì cơ quan có thẩm quyền nên cung cấp. Vì thực tế đối với cử tri ở địa bàn cư trú, ứng cử viên có bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất, nhà đất bao nhiêu mét vuông; hoặc ứng cử viên có mấy ôtô, mấy xe máy... và cuộc sống gia đình, mối quan hệ với nhân dân trong khu phố, thôn, ấp như thế nào thì người dân đều biết cả, nên không thể giấu được và cũng không nên giấu.

Vì vậy, việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập là “thước đo” chính xác nhất sự trung thực của các ứng cử viên trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và trước những người sẽ bỏ phiếu cho mình.

N.V

  • Từ khóa
108288

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu