Thứ 2, 20/05/2024 04:30:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:16, 10/03/2011 GMT+7

BHYT và những bất cập với người bị tai nạn giao thông

Thứ 5, 10/03/2011 | 08:16:00 1,453 lượt xem

Ngày 14-8-2009, liên Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 09-2009/TTLT-BTC-BYT về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT). Theo quy định tại thông tư này, người tham gia BHYT khi bị tai nạn giao thông (TNGT) phải được công an xác định là không vi phạm Luật giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt thì mới được thanh toán từ Quỹ BHYT, nếu không người bệnh phải tự chi trả.

Đến nay, thông tư này có hiệu lực thi hành đã hơn 1 năm, nhưng trong thực tế có rất ít trường hợp được thanh toán BHYT khi bị tai nạn giao thông (TNGT). Nguyên nhân là do người bị TNGT gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin giấy xác nhận là không vi phạm luật giao thông từ công an. Vì thế, có không ít người tham gia BHYT và khi bị TNGT mà lỗi do người khác gây ra, nhưng vì không chờ đợi được hoặc không muốn phiền hà nên đã phải tự bỏ tiền ra trả chi phí khám chữa bệnh.

Mức hưởng bảo hiểm y tế trong một số trường hợp:

(Điều 8, Thông tư số 09/2009/ TTLT-BTC-BYT)

3. Đối với trường hợp tai nạn giao thông:

a) Trường hợp đã xác định được là không vi phạm pháp luật thì Quỹ BHYT thanh toán theo quy định;

b) Trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị tai nạn giao thông tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền thì người bệnh mang chứng từ đến Bảo hiểm xã hội để thanh toán theo quy định. Thủ tục thanh toán và thời hạn thanh toán thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư này;

c) Quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp tai nạn giao thông do vi phạm pháp luật về giao thông và trường hợp người bị tai nạn giao thông nhưng thuộc phạm vi thanh toán theo quy định của pháp luật về tai nạn lao động.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo thông tư mới sửa đổi một số điều của Thông tư số 09/2009/TTLT - BTC - BYT và đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương. Theo dự thảo của thông tư mới, tất cả các trường hợp bị TNGT vào nhập viện khi chưa xác định được tình trạng vi phạm pháp luật thì người bị TNGT vẫn được thanh toán BHYT. Nếu sau đó, công an xác định là có vi phạm pháp luật giao thông thì người bị TNGT phải hoàn trả lại tiền cho quỹ BHYT. Nếu ngay sau khi người bị TNGT vào nằm viện mà công an đã xác minh được là có vi phạm pháp luật thì người đó phải tự trả chi phí chữa bệnh.

Dự thảo thông tư cũng quy định, đối với người tham gia BHYT bị TNGT và phải nhập viện, thì trong 24 giờ, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông hoặc cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn để xác nhận về trường hợp đó có vi phạm pháp luật hay không. Nếu sau khi người bị TNGT ra viện hoặc chuyển viện mà công an vẫn chưa có bản xác nhận vi phạm pháp luật giao thông hay không thì những trường hợp này được coi là không vi phạm pháp luật và Quỹ BHYT có trách nhiệm phải thanh toán cho người bị TNGT. Nếu sau khi bệnh nhân ra viện rồi mà công an mới có văn bản xác nhận là người bị TNGT có vi phạm pháp luật thì cơ quan BHXH có trách nhiệm phải thu hồi khoản chi phí khám chữa bệnh của những trường hợp này.

Với quy định này thì người bị TNGT được tạo thuận lợi, nhưng lại nảy sinh bất cập là nếu các cơ quan chức năng không làm tròn trách nhiệm thì sẽ có trường hợp đáng lẽ phải xác minh tình trạng có vi phạm pháp luật hay không nhưng đến thời điểm đó cũng là cơ hội dừng xác minh hoặc không tiếp tục điều tra nữa. Hơn nữa, quy định này khó khả thi vì trong dự thảo thông tư không có quy định chế tài ràng buộc trách nhiệm của người bị TNGT có vi phạm pháp luật phải hoàn trả lại chi phí khám chữa bệnh cho Quỹ BHYT.

Trong nội dung của dự thảo thông tư mới còn quy định, trẻ em dưới 16 tuổi, người già trên 80 tuổi, người ngồi trên các phương tiện giao thông nhưng không trực tiếp điều khiển khi bị TNGT sẽ được thanh toán BHYT mà không cần phải xác minh hành vi vi phạm pháp luật. Nếu quy định như vậy thì ở đây lại phát sinh một bất cập nữa là trong thực tế có không ít người ngồi trên xe hoặc sau xe, tức là họ không trực tiếp điều khiển phương tiện, nhưng vẫn có hành vi vi phạm pháp luật, như: Trên xe máy ngồi quá người, không đội mũ bảo hiểm; hay ngồi trên xe ôtô nhưng lại thò đầu, thò tay ra ngoài.

Mong rằng ý kiến trên đây sớm được các cơ sở y tế và cơ quan BHXH nghiên cứu và có giải pháp khắc phục để chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta phát huy hiệu quả đối với mọi người dân.                                     

N.V

  • Từ khóa
108284

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu