Thứ 5, 09/05/2024 03:00:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:41, 05/11/2019 GMT+7

Tham nhũng thời xưa

Thứ 3, 05/11/2019 | 09:41:00 946 lượt xem

BP - Nạn tham ô, nhũng lạm, hay tham nhũng là “quốc nạn”, “nội nạn” của bất kỳ một triều đại, một thiết chế chính trị nào. “Quốc nạn” này được người xưa gọi là nạn sâu dân, mọt nước đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh suy của triều đại mà nó can dự. Đồng thời, vấn nạn tham nhũng phản ánh sự thịnh đạt hoặc suy thoái của triều đại nào đó trong từng thời điểm lịch sử, cũng như hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, tính răn đe của pháp luật ở từng thời điểm lịch sử cụ thể.

Xét trong lịch sử dân tộc ta, các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ... hầu như triều đại nào cũng có nạn sâu dân, mọt nước. Vấn đề là, nạn tham nhũng có sự hiện diện ở mức độ khác nhau làm suy yếu tiềm lực của quốc gia, dân tộc, xuống cấp đạo đức xã hội, thể chế chính trị cũng theo đó bị gãy đổ nền móng... Cũng bởi mối nguy hại ấy mà bất kỳ thể chế, triều đại nào cũng đều muốn bài trừ, tận diệt loại giặc nội xâm cực kỳ nguy hiểm này.

Vậy, người xưa nhìn nhận về tham nhũng như thế nào? Tham nhũng là gì? Theo quan điểm của người xưa thì, “tham nhũng” được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã có để nhũng nhiễu, hạch sách tiền của của nhân dân, tham ô, bòn rút của công nhà nước “biếm công vi tư”. Những hành động ấy nhằm mục đích làm giàu cho cá nhân, vun vén lợi ích cho bản thân một cách không chính đáng.

Tìm hiểu qua những sử sách, các chiếu chỉ của vua, những tấu sớ của quan lại, những vụ tham nhũng cụ thể thời xưa, cùng với những điển chế, luật pháp có liên quan, chúng ta thấy tham nhũng diễn ra chủ yếu ở đối tượng là những người có quyền hành, mà thường là những người “quyền cao chức trọng”. Sau khi nước Âu Lạc của An Dương Vương bị rơi vào tay Triệu Đà năm 179 trước Công nguyên, dân tộc ta đã trải qua thời gian hơn 1.000 năm phong kiến Trung Hoa đô hộ. Với mưu đồ thống trị, đồng hóa, các quan lại phương Bắc đã dùng quyền uy của kẻ cai trị để vơ vét của cải tư lợi cho bản thân. Theo ghi chép của sử cũ, hành vi tham ô của quan lại cai trị phương Bắc nhiều trường hợp được thực hiện lộ liễu tới mức độ cao hơn nữa là cướp bóc, chiếm đoạt, như “Việt sử thông lãm” có ghi: Trên tham nhũng, dưới càng tham nhũng/Lớn gian tà, bé cũng gian tà/Thầy buông tớ chẳng đành tha/Quan trên thít một, sai nha thặng mười.

Thời Bắc thuộc, hành động tham nhũng được ghi nhận với đối tượng chủ đạo tham ô, nhũng lạm vơ vét tiền tài, vật lực của dân ta không ai khác, chính là những tên quan đô hộ đứng đầu nước ta cùng những kẻ dưới quyền. Về nguyên nhân cơ bản dẫn đến nạn tham nhũng của những quan cai trị phương Bắc đối với dân Việt, đó là từ chức vụ cao của họ, lại ở cách xa chính quyền Trung ương nên quyền hành lớn, cùng với đó là sự dồi dào tài nguyên của nước Việt, mà “Đại Việt sử ký toàn thư” đã dẫn chứng: “Trước đây những người làm Thứ sử thấy đất châu có các thứ ngọc trai, lông trả, tê, voi, đồi mồi, hương lạ, gỗ tốt, nhiều người không liêm khiết, vơ vét của cải cho đầy, rồi lại xin đổi đi”.

Về việc này, nhà sử học Lê Văn Hưu cũng đã nhận xét: “Xem sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử người Bắc tham tàn làm khổ, Bắc Kinh đường xa, không biết kêu vào đâu”. Ngay đến cả Thứ sử Giao Châu là Chu Thặng khi đến nước ta nhận chức, theo “An Nam chí lược” cho biết, khi nhìn thấy thực trạng này, đã phải viết thư về Trung Hoa với đại ý là đất Giao Châu là nơi xa xôi, tập tục phổ biến có sự tham ô, bọn cường hào, trưởng sử thì bạo ngược, hà hiếp bóc lột muôn dân.

Bảng nhãn Lê Quý Đôn trong phần “Châm cảnh” (Khuyên răn) của “Kiến văn tiểu lục” đã viết rằng: “Giữ chức cao thì việc đầu tiên là ăn của đút”. Những trường hợp cụ thể trong sử cũ có thể minh chứng như việc tham ô của Hành khiển Đỗ Tử Bình, An phủ sứ Hồ Tông Thốc... ở đời Trần; Thái phó Lê Văn Linh, Quốc lão Nguyễn Xí... đời Lê sơ là những người lợi dụng chức tước, vị thế mình có trong quan trường, trong xã hội để thực hiện hành vi làm giàu bất chính thông qua việc ăn hối lộ, mua quan bán tước, tham ô tài sản nhà nước. Hành vi tham ô, nhũng lạm của họ còn được thể hiện ở cả việc tư lợi về thời gian của kẻ dưới quyền để phục vụ lợi ích của mình, hoặc dùng nhân lực công của Nhà nước để làm lợi riêng...

Lời bàn:

Trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại cho thấy, tham nhũng xuất hiện từ rất sớm, cụ thể là từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Và các sử gia phong kiến cũng như đương thời đều có chung một nhận định rằng, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Còn tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng và tham ô là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực.

Tham nhũng và tham ô làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước và đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Vì thế, không phải đến bây giờ, mà ngay từ thời xa xưa, tổ tiên chúng ta đã đặc biệt chú trọng việc chống tham nhũng để xây dựng một quốc gia hùng cường. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta khẳng định rất rõ, tham nhũng là “giặc nội xâm” và là một trong những nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ; xói mòn các giá trị dân chủ, giá trị đạo đức, công lý xã hội...

N.D

  • Từ khóa
110253

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu