Thứ 5, 09/05/2024 03:46:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:13, 13/10/2019 GMT+7

Một nhân cách lớn

Chủ nhật, 13/10/2019 | 10:13:00 138 lượt xem

BP - Tự Đức là vị hoàng đế thứ 4 của triều Nguyễn. Ông trị vì từ năm 1847-1883. Triều đại của ông đánh dấu sự suy yếu của nhà Nguyễn và nhiều sự kiện xấu với vận mệnh Đại Nam. Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Trước tình hình người Pháp xâm lấn, trong triều đình đặt ra vấn đề cải cách, từ năm 1864-1881, các quan là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Đỉnh liên tiếp dâng sớ xin nhà vua cho cải cách toàn diện đất nước nhưng các đình thần lại không thống nhất, nhà vua cũng không đưa ra được quyết sách dứt khoát.

Mãi đến năm 1878, triều đình mới bắt đầu cử người thực hiện các bước đầu tiên trong quá trình cải cách là cho học tiếng nước ngoài nhưng đình thần vẫn bất đồng và nảy sinh 2 phe chủ trương cải cách và bảo thủ; rồi đến khi nước Đại Nam dần rơi vào tay quân Pháp cũng nảy sinh 2 phe chủ chiến và chủ hòa. Triều đình nhà Nguyễn ngày càng bất lực trước sự tấn công của Pháp, chỉ mong cắt đất cầu hòa. Năm 1883, Tự Đức qua đời, ngay sau đó Pháp tấn công vào kinh đô và ép buộc nhà Nguyễn phải công nhận sự “bảo hộ” của Pháp trên toàn Đại Nam. Nhà Nguyễn sau thời Tự Đức chỉ còn là danh nghĩa, vua Nguyễn chỉ còn là bù nhìn, thực tế thì đã mất nước vào tay Pháp. Điều này hoàn toàn trùng với dự báo của Binh bộ Thượng thư Lê Đỉnh.

Lê Đỉnh còn gọi là Lê Đình Đỉnh, sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Đông Mỹ (sau đổi La Kham), huyện Diên Phước (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông là thân phụ của liệt sĩ Lê Đình Dương và bác sĩ Lê Đình Thám. Ông xuất thân trong một gia đình nho học, thời trẻ học ở trường Đốc (Quảng Nam). Đỗ cử nhân năm 23 tuổi (1870), ông làm quan ở nhiều nơi, trải qua các chức: Biện lý bộ Công, Phó chủ khảo trường thi Nghệ An (1882), Binh bộ Thượng thư sung Đông các Đại học sĩ, Tổng đốc Hà Yên (Hà Nội - Hưng Yên), Hữu đô ngự sử sung Cơ mật viện đại thần...

Ông từng được vua Tự Đức cử làm Chánh sứ sang Hương Cảng (1881) và sau đó đi sứ ở nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Miến Điện. Từ những điều tai nghe mắt thấy ở xứ người, ông ý thức sâu sắc việc canh tân đất nước ở nhiều lĩnh vực, làm cho dân giàu, nước mạnh để đủ sức đối phó với hiểm họa ngoại xâm của các nước tư bản phương Tây. Trong biểu tấu trình lên Tự Đức có đoạn “Các nước Thái Tây mà phú cường là cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy buôn bán mà nuôi dân. Gần đây, Nhật Bản theo các nước Thái Tây cho người đi buôn bán khắp mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt chước cho người nước ngoài ra vào buôn bán. Nước ta người dân khôn ngoan, lại lắm sản vật. Nếu theo cách làm của người ta, thì cũng có thể giữ vững được độc lập và chủ quyền quốc gia...”.

Năm 1882, ông phụng chiếu đi Tân Gia Ba (Singapore). Lúc về, ông lại dâng biểu tấu trình những điều tai nghe mắt thấy về mọi kiến thức tiến bộ thu thập được. Nhưng rồi cũng như lần trước không được vua và triều thần quan tâm. Đau buồn trước hiện tình đen tối của đất nước, ông mượn lời Lão Tử nói: “Tri túc bất nhục, tri chi bất đãi” (Biết đủ không ham muốn nhiều thì không bị nhục - biết ngưng, không dấn thân nữa thì không bị nguy). Nhưng những lời tấu trình đề nghị cải cách của Lê Đỉnh cũng chung số phận như những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ trước đó. Tuy nhà vua và triều đình có bàn bạc, xem xét các lời tấu, đề nghị đó nhưng bị tư tưởng bảo thủ, mù quáng cản trở nên cuối cùng đều không đi đến đâu cả. Bất lực trước thời cuộc, năm 1884, ông mượn cớ phụng dưỡng cha mẹ già yếu, dâng biểu từ quan, về quê mở trường dạy học.

Ý thức sâu sắc việc canh tân đất nước qua mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự; học hỏi, rút kinh nghiệm qua mấy lần đi sứ nước ngoài, mấy lần dâng sớ không kết quả; từ đó ông tự đào tạo các con ông từ Nho học sang Tây học. Nhờ đó mà các con ông tất thảy đều thành đạt, trong đó có 2 nhà thông thái, nhiệt tình yêu nước thương dân là y sĩ, liệt sĩ Lê Đình Dương, bác sĩ Lê Đình Thám.

Lời bàn:

Cuộc đời làm quan của Lê Đỉnh gắn với giai đoạn đất nước bị thực dân Pháp từng bước xâm chiếm và triều đình nhà Nguyễn bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vì vậy, ông luôn lo lắng cho vận mệnh của dân, của nước. Lê Đỉnh đã nhiều lần dâng sớ, làm các bài ứng chế có nội dung cổ vũ việc canh tân đất nước hoặc phê phán những thói hư tật xấu của quan trường thời suy vong của nhà Nguyễn. Theo Lê Đỉnh Giản, để ứng phó được với những khó khăn bởi họa xâm lược của thực dân Pháp đối với nước ta từ giữa thế kỷ XIX, thì triều đình cần phải làm cho nước mạnh, dân giàu. Muốn thế, điều cần làm ngay là thực hiện cải cách nền hành chính quốc gia, thay đổi tình trạng kém hiệu quả của bộ máy nhà nước đang diễn ra trầm trọng.

74 tuổi đời, hơn 15 năm làm quan với bao chìm nổi, thăng trầm của thời cuộc nhưng Lê Đỉnh vẫn thể hiện một tấm lòng ưu tư đến vận dân, vận nước. Ông là vị quan có tài, thanh liêm, cương trực, một nhân cách cao thượng cùng bản lĩnh vững vàng của một đại trượng phu, một danh nho quân tử. Ngày nay, đọc những quan điểm canh tân, mở cửa của Lê Đỉnh và ngầm so sánh với những gì mà chúng ta đang thực hành thì hình như ông là người đương đại. Sở dĩ tư tưởng của Lê Đỉnh có tính thời sự ấy là nhờ tư duy ông vượt qua thời đại, có tấm lòng thật sự yêu nước, thương dân!

N.D

  • Từ khóa
110243

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu