Thứ 5, 09/05/2024 07:30:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:04, 06/10/2019 GMT+7

Ham sắc hại thân

Chủ nhật, 06/10/2019 | 13:04:00 483 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi vua Lý Cao Tông mất, Đào Phán bèn đem quân đánh lén Đỗ Thế Quy. Đỗ Thế Quy chạy trốn ở dưới linh cữu của vua Cao Tông. Tô Trung Từ đến nơi lục soát, cuối cùng bắt được Đỗ Thế Quy. Ông sai giết Đỗ Thế Quy ở chợ Đông, trước hết sai chặt 2 chân Thế Quy, thứ đến là mổ ngực thấu đến tận xương sống và chặt tay, nhưng thần sắc Đỗ Thế Quy vẫn tự nhiên. Đến lúc mổ bụng thì Đỗ Thế Quy mới chết.

Cùng khi đó, nghe tin vua Cao Tông mất, Trần Tự Khánh đem thủy quân đến bến Tế Giang (Mỹ Văn, Hưng Yên) xin với Tô Trung Từ cho cùng dự tang lễ Cao Tông, nhưng Tô Trung Từ không cho vì sợ Tự Khánh đốt phá kinh thành. Tự Khánh phải đem quân về Thuận Lưu. Đầu năm 1211, vua Lý Huệ Tông lại sai người đi Hải Ấp để đón Trần Thị Dung. Lần này Trần Tự Khánh đồng ý để em gái về triều và sai 2 tỳ tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh cầm quân hộ tống.

Khi quân hộ tống tới Thăng Long, đúng lúc Tô Trung Từ đang đánh nhau với Đỗ Quảng. Tô Trung Từ hợp binh với 2 tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh phá tan quân của Quảng. Tới tháng sau thì Quảng bị bắt và bị xử chém. Tạm dẹp được các cựu thần nhà Lý nhưng chính nội bộ của Tô Trung Từ cũng không yên ổn. Bộ tướng của ông là Nguyễn Tự muốn giết con rể ông là Nguyễn Ma La và định phản ông. Tướng dưới quyền của Tự là Nguyễn Giai báo cho Trung Từ biết. Ông bèn tước hết binh quyền của Nguyễn Tự. Tự sợ hãi bỏ trốn sang Quốc Oai và sau này cát cứ tại đây.

Tình hình tạm yên, Tô Trung Từ lại sa vào thanh sắc. Ông say mê công chúa Thiên Cực là vợ của quan Nội hầu Vương Thượng và là người từng quan hệ bất chính với gian thần Phạm Du trước đây. Một đêm tháng 6-1211, ông sang Gia Lâm tư thông với công chúa Thiên Cực, bị Vương Thượng bắt quả tang và sai người giết chết tại chỗ. Theo luật pháp nhà Lý khi đó, nếu nam nữ tư thông mà bị bắt quả tang thì người chồng có thể giết tình địch mà không bị tội.

Sau khi Tô Trung Từ chết, kinh thành hỗn loạn. Con rể ông là Nguyễn Ma La khi cha vợ bị giết lâm cảnh thân cô thế cô, bèn mưu dựa vào họ Trần. Ma La sang nói với Trần Thừa, xin tiến binh dẹp yên ấp Khoái. Nguyễn Ma La cùng vợ là Tô thị (em họ Tự Khánh) lên thuyền sang đạo Thuận Lưu để gặp bộ tướng của Tô Trung Từ là Nguyễn Trinh thì bị Nguyễn Trinh giết rồi cướp lấy Tô thị đem về. Tô thị sai người tố cáo với Trần Thừa. Trần Thừa bèn sai Tô thị dụ được Nguyễn Trinh và giết chết. Lực lượng của Tô Trung Từ chính thức tan rã hoàn toàn. Trần Tự Khánh nhân lúc Ma La kéo đi, kinh thành bỏ trống liền lập tức mang quân về kinh sư và an táng Tô Trung Từ ở làng Hoạch. Từ đó, chiến sự giữa các sứ quân ngày càng ác liệt và cuối cùng đánh dấu bằng sự thắng thế của Trần Tự Khánh cùng sự khống chế triều đình nhà Lý của anh em họ Trần.

Tô Trung Từ khá giống với Đổng Trác trong lịch sử Trung Quốc. Nhân lúc loạn lạc để nắm binh quyền, trở thành quyền thần nhà Lý. Một loạt tướng lĩnh, quan lại nhà Lý mưu chống lại ông đều bị đánh bại, tựa như 18 đạo quân chư hầu đánh Đổng Trác không thành. Tuy nhiên, sau đó ông lại vì một người đàn bà mà mất mạng, như Đổng Trác chết bởi mỹ nhân Điêu Thuyền. Có ý kiến cho rằng chính các quan lại nhà Lý, trong đó có cả phò mã Vương Thượng - chồng công chúa Thiên Cực - là những người chủ mưu biến cố ở Gia Lâm để diệt Trung Từ.

Trước Tô Trung Từ, gian thần Phạm Du cũng chính vì tư thông với công chúa Thiên Cực mà hỏng việc, mất mạng. Trung Từ không rút ra bài học của kẻ đi trước, lại giẫm lên vết xe đổ đó. Tô Trung Từ cũng chết vì ham sắc đẹp nhưng cái chết của ông ô danh, đáng hổ thẹn hơn cái chết của Đổng Trác. Cái chết đó càng cho thấy ông không đủ khả năng ngồi ở vị trí của đại thần đầu triều, “gian hùng thời loạn” mượn tiếng thiên tử để sai khiến chư hầu. Sau này, người cháu Trần Tự Khánh đã tự mình thay thế vai trò của ông để xác lập cơ nghiệp họ Trần.

Lời bàn:

Theo luật pháp nhà Lý khi đó quy định, nếu nam nữ tư thông mà bị bắt quả tang, người chồng có thể kết liễu mạng sống của tình địch mà không bị tội. Và cổ nhân có câu rằng: Tửu, vị, sắc, đài - trong bốn thứ này chỉ mắc phải một thứ cũng đủ khiến thân bại danh liệt, quốc gia diệt vong. Còn nếu nhiều hơn một, hay nghiện luôn cả bốn thì càng sập nhà, mất nước ngay cấp kỳ. Và lời cảnh tỉnh này của cổ nhân cho đến ngày nay còn nguyên giá trị. Vậy nhưng trong lịch sử của nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim đã có vô cùng nhiều bậc quân vương, danh tướng tài ba lẫy lừng, nhưng chỉ bởi vì đam mê “tửu, vị, sắc, đài” mà mất nước, làm hại dân chúng, đất nước. Và Tô Trung Từ trong giai thoại này là một minh chứng.

Thế mới hay rằng, chốn cung đình nước Việt trải các triều đại phong kiến, dù có những luật lệ khắt khe để ngừa sự tư tình ngoại ý, nhưng rồi vẫn có những vụ ngoại tình xảy ra sau rèm ngọc. Cũng theo nội dung của giai thoại cho thấy, chỉ một mình nàng Thiên Cực đã khiến 2 viên quan đại thần uy danh phải chết tức tưởi bởi lưới tình. Đây là những bài học lịch sử và cũng là những tấm gương cho hậu thế ngàn năm phải né tránh.

N.D

  • Từ khóa
110240

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu