Thứ 5, 09/05/2024 05:41:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:04, 05/09/2019 GMT+7

Lời trăng trối

Thứ 5, 05/09/2019 | 16:04:00 262 lượt xem

BP - Theo sử cũ, vua Trần Minh Tông là người nhân hậu, thương người nhưng xét việc chưa minh. Cụ thể, do quá tin vào bọn nịnh thần, vua đã giết oan Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn - người có công, đồng thời là chú và cũng là cha vợ mình. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, Quốc Chẩn tự nhận mình là cố mệnh đại thần, lại là cha đẻ của hoàng hậu Lệ Thánh, nên cố chấp là đợi khi nào hoàng hậu sinh con trai trưởng sẽ lập làm thái tử.

Khi đó, Văn Hiến hầu (con của Trần Nhật Duật) muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, bèn lấy 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, xúi Trần Phẫu vu cáo Quốc Chẩn âm mưu làm phản. Vua Minh Tông liền bắt Quốc Chẩn giam ở chùa Tư Phúc. Nhân đó Trần Khắc Chung xin vua trừ Quốc Chẩn đi, lấy cớ: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Minh Tông nghe theo, không cho Quốc Chẩn ăn uống gì cả. Biết cha mình khát, hoàng hậu Lệ Thánh phải lấy áo nhúng nước mặc vào, rồi vắt ra cho cha uống. Nhưng cuối cùng, Quốc Chẩn cũng bị chết. Sau có người vợ lẽ của Trần Nhạc ghen với vợ cả tố cáo sự thật. Nỗi oan được giải nhưng trung thần đã chết.

Từ đó, trong cuộc đời còn lại của mình, vua Trần Minh Tông lúc nào cũng bị ám ảnh bởi vụ án oan của cha vợ. Để sửa sai, nhà vua đã cho khôi phục chức tước, sai lập đền thờ Trần Quốc Chẩn, thậm chí còn làm thơ tự trách mình. Tháng 8-1356, khi đã lên làm thái thượng hoàng, Trần Minh Tông về thăm đền thờ Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn ở núi Kiệt Đặc (thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay). Về việc này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: Khi trở về, trong thuyền ngự có con ong vàng đốt vào má bên trái của thượng hoàng, rồi thượng hoàng bị bệnh. Về đến Thăng Long, bệnh tình của Trần Minh Tông ngày một xấu, đến tháng 2-1357 thì qua đời, thọ 58 tuổi. Theo dã sử, con ong vàng đó chính là oan hồn của Trần Quốc Chẩn về báo thù.

Thông thường người ta trước phút lâm chung cũng là khi đã sức cùng lực kiệt, thì trí tuệ khó minh mẫn, nhưng thượng hoàng Trần Minh Tông xem ra không phải vậy. Khi thấy cơ thể không được khỏe, triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo, Minh Tông nghe biết chuyện, bèn gọi Hữu tướng quốc là Trần Phủ vào tận giường nằm để hỏi. Vua Trần Dụ Tông sợ, lập tức sai Phủ tâu rằng, Phạm Ứng Mộng xướng nghị việc tự xin lấy mình chết thay cho thượng hoàng. Trần Phủ vừa tâu lên thì thượng hoàng nói: Ứng Mộng tự nhận làm địa vị của Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chay thì không được làm.

Cũng lúc bấy giờ, Hiển Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho Minh Tông được khỏe lại, thì ông bảo với bà rằng: Thân ta không thể lấy con heo, con dê mà đổi được....Lúc bệnh đã quá nguy kịch, các hoàng tử cùng đứng hầu cạnh, chờ nghe lời dạy cuối cùng, Trần Minh Tông liền nói với họ: Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc hay thì theo, việc dở thì lánh... Bậc đế vương dùng người không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ vì đó là người hiền thôi. Người đó theo đúng ý ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ.

 Nếu ta cũng đúng là người hiền thì những người được ta dùng cũng hiền, kể như Nghiêu, Thuấn dùng Tắc, Khiết, Quỳ, Long vậy. Nếu ta không hiền thì những kẻ ta dùng ắt cũng không hiền, khác chi Kiệt, Trụ dùng Phi Liêm, Ác Lai vậy. Đó là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bề tôi của hắn. Bảo hắn là ngu tối thì được, chớ bảo hắn có tình riêng thì không.

Như vậy, rõ là đến lúc hấp hối, vua Trần Minh Tông để lại những lời trăng trối đẹp..., mà lẩn khuất đâu đó vẫn xen chút quá khứ sai lầm, coi đó là bài học cho thế hệ con cháu đừng mắc phải khi dùng người hiền tài.

Lời bàn:

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có câu thành ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Bởi thế, lời nói lúc lâm chung tuy ngắn ngủi nhưng lại hiển hiện ra hết thảy trí tuệ và công nghiệp của người đó. Và trong thực tế có không ít người chỉ biết lo cho con cháu, có người lo về của cải, gia sản của mình, lại có người thần trí bất minh mà trở nên hoảng loạn. Nhưng đó là với những người bình thường, những kẻ khi sống chỉ biết lo vun vén cá nhân hoặc những người chỉ biết làm giàu bằng mọi cách hay những kẻ nịnh trên, đạp dưới để chờ thời ngoi lên...

Còn đối với các bậc thánh hiền thì đều lưu lại danh tiếng khi mất đi. Với họ thì lúc lâm chung là thời khắc đặc biệt nhất. Đó là lúc mà tinh anh cả đời của một vĩ nhân bùng cháy lần cuối. Và vua Trần Minh Tông là người như vậy. Ông là vị quân chủ trị vì lâu nhất của nhà Trần, là người nổi tiếng với trí tuệ và năng lực trị quốc. Ngay cả đến khi gần đất xa trời, trí tuệ của ông vẫn bừng sáng. Những lời lẽ và suy luận của ông trước lúc lâm chung vô cùng sâu sắc và đã để lại cho hậu thế nhiều bài học về triết lý sống cũng như phép dùng người hiền tài.   

N.D

  • Từ khóa
110227

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu