Thứ 5, 09/05/2024 00:56:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:07, 22/08/2019 GMT+7

Thu phục lòng người

Thứ 5, 22/08/2019 | 15:07:00 368 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trịnh Tùng có thụy hiệu Thành Tổ Triết Vương, là vị chúa thứ 2 của dòng họ Trịnh. Ông cai trị từ năm 1570-1623. Xét theo thế thứ, ông là đời thứ 2 của họ Trịnh kế tục nhau lãnh binh quyền “phù Lê”. Tuy nhiên, cha ông là Trịnh Kiểm chỉ mới được phong tước công, thụy hiệu Thái Vương của Trịnh Kiểm là do đời sau đặt. Phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương khi còn tại vị, được gọi là chúa và được lập thế tử nên ông là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên.

Sau khi cha là Trịnh Kiểm qua đời, Trịnh Tùng nổi dậy đánh đuổi anh là Trịnh Cối, đoạt lấy binh quyền Nam triều. Năm 1573, ông lật đổ vua Lê Anh Tông và đưa Lê Thế Tông còn nhỏ tuổi lên làm vua bù nhìn, bản thân nắm hết quân quốc đại sự. Trịnh Tùng được sử sách ghi nhận là nhà chỉ huy quân sự tài ba, người đã chặn được các cuộc tấn công của quân Mạc từ năm 1577-1583. Năm 1592, Trịnh Tùng xuất quân Bắc phạt, giành lại Đông Đô từ tay nhà Mạc, hoàn thành sự nghiệp trung hưng triều Lê. Năm 1599, ông buộc nhà vua phải phong cho mình tước Bình An Vương và lập con làm thế tử, thiết lập phủ chúa tại thành Đông Kinh, chính thức mở ra cơ đồ 200 năm của họ Trịnh.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào thời nhà Lê, Trịnh Tùng nổi lên là người nắm toàn bộ quyền lực trong triều đình. Trong cuộc chiến chống lại nhà Mạc nhằm trung hưng nhà Lê, ông luôn dùng đức để cảm hóa và thu phục nhân tâm. Trong cuộc chiến Nam - Bắc triều, khi Mạc Kính Điển đưa 10 vạn quân với 700 chiến thuyền cùng nhiều tướng tài đã qua kinh nghiệm trận mạc tiến đánh xuống phía Nam, chính quyền Nam triều khi ấy lâm vào tình thế nguy hiểm.

Trịnh Tùng được lĩnh ấn tiết chế, chỉ huy toàn quân Nam triều giao chiến với quân nhà Mạc, ông đồng lòng cùng quân sĩ trấn giữ những nơi hiểm yếu, Mạc Kính Đức không sao thắng được phải rút quân về.Mùa thu năm 1581, tướng nhà Mạc là Mạc Đôn Nhượng đưa quân vượt biển đánh vào vùng đất Quảng Xương. Tiết chế Trịnh Tùng lại tiếp tục thống lĩnh quân nhà Lê chống lại quân nhà Mạc. Sau trận chiến này, quân Nam triều đã diệt và bắt sống vài trăm quân tướng nhà Mạc.

Thế nhưng giữa lúc này, Trịnh Tùng đã đưa ra quyết định nhân đạo, thả toàn bộ mấy trăm tù binh. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn ghi chép về việc này như sau: Mấy trăm người bị bắt đều cấp cho cơm áo thả về quê quán. Mọi người đều thầm cảm ơn. Từ đấy binh uy lừng lẫy. Quân Mạc không dám dòm ngó nữa, cư dân Thanh Hóa, Nghệ An mới được yên nghiệp.

Tháng 12-1589, Trịnh Tùng đưa quân đi đánh dẹp quân Mạc ở Yên Khang, Yên Mỗ, ông cho quân tấn công rồi giả thua rút chạy về núi Tam Điệp, quân Mạc đuổi theo thì bị rơi vào trận địa mai phục sẵn và bị thảm bại. Quân Lê bắt sống 600 quân Mạc, thế nhưng Trịnh Tùng lại cởi trói  hết cho tù binh và thả trở về quê quán. Cũng trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi chép về sự kiện này như sau: Tiết chế Trịnh Tùng sai các tướng đem 600 quân giặc bị bắt tới nộp, sai cởi trói vỗ về yên ủi, cấp cho cơm áo rồi thả hết cho về quê quán để tỏ đức hiếu sinh. Họ hàng của quân lính bị bắt nghe thấy thế, đều đội công đức như trời đất, cảm ơn sâu như cha mẹ.

Khi Trịnh Tùng chỉ huy quân tiến công thành Thăng Long, quân nhà Mạc do Nguyễn Quyện chỉ huy ở cầu Dền bị đánh cho tan tác, 2 con trai tử trận, bản thân Quyện bị bắt sống. Trịnh Tùng hay tin thì đến tận nơi, cởi trói cho Nguyễn Quyện và còn an ủi, đối đãi rất trọng hậu. Sách “Việt sử thông giám cương mục” đã mô tả lại việc này như sau: Quyện bị quan quân bắt sống. Trịnh Tùng thân hành cởi trói cho Quyện, đối đãi bằng lễ tiếp khách và yên ủi... Quyện hổ thẹn vội phục xuống đất.

Lời bàn:

Theo sử cũ, Trịnh Tùng bắt đầu cầm quyền binh từ năm 1570 và mất năm 1623, hưởng thọ 74 tuổi. Trong thời gian ấy, Trịnh Tùng thực sự ở vị thế ngôi chúa 23 năm. Và ông đã hoàn thành 3 công việc lớn lao sau đây: Trịnh Tùng đã hoàn thành trọn vẹn công cuộc trung hưng của vương triều Lê, đồng thời tạo dựng cơ nghiệp ban đầu cho chính quyền họ Trịnh sau này. Thứ hai là khôi phục và chuẩn hóa các khoa thi Nho học để tuyển chọn nhân tài, bổ sung quan lại cho bộ máy tổ chức chính quyền Lê - Trịnh, từ đó, thúc đẩy phát triển việc học tập và giáo dục trên toàn quốc. Thứ ba là đặt ra quy chế tuyển binh và các chính sách đội quân mạnh đủ sức bảo vệ chính quyền Lê Trung hưng, trong đó có quyền lợi của dòng họ mình.

Và từ 3 việc ấy đã thể hiện rõ ông là nhà lãnh đạo tài năng, một chính trị gia kiệt xuất dưới thời Lê Trung hưng. Bởi vì, trong bối cảnh chính trị phức tạp như vậy, với năng lực chính trị đặc biệt, Trịnh Tùng đã từng bước kiện toàn và tăng cường hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính từ Trung ương đến các địa phương, tổ chức khoa cử chọn nhân tài, ban hành nhiều chính sách lớn để phát triển kinh tế... Và muốn thực hiện được chính sách hợp nhân tâm ấy, rõ ràng Trịnh Tùng phải là người vừa có lòng vị tha, đại lượng vừa có trí óc minh triết, thực tế... Vì vậy, ông xứng đáng được tôn xưng là vị chúa mở đầu cho sự nghiệp gần 250 năm của dòng họ Trịnh.

N.D

  • Từ khóa
110222

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu