Thứ 5, 09/05/2024 04:14:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:02, 13/08/2019 GMT+7

Hậu vận bi thảm

Thứ 3, 13/08/2019 | 14:02:00 517 lượt xem
BP - Hoàng đế thứ 4 của triều nhà Mạc là Mạc Tuyên Tông lên ngôi từ thuở ấu niên, chưa thể xử trí việc nước. Mọi việc đều do thân vương phụ chính Mạc Kính Điển thay thế lo liệu. Mạc Kính Điển là người hùng tài đại lược, dốc chí giúp lập nên cơ nghiệp nhà Mạc vững chắc khi cuộc chiến tranh Lê - Mạc vẫn đang ác liệt. Mạc Tuyên Tông nhờ đó được trưởng thành trong nhung lụa.

Khi Mạc Tuyên Tông khôn lớn, triều đình bàn định chọn phi tần cho ông. Cô gái họ Bùi là một trong những giai nhân được tuyển chọn. Đây là bước khởi đầu để cô tiến đến ngôi vị hoàng thái hậu sau này. Giữa muôn vàn đóa hoa nơi hậu cung, cung phi họ Bùi nhờ có dung nhan hơn người và biết cách lấy lòng hoàng đế nên dần chiếm được sự sủng hạnh của Mạc Tuyên Tông. Chẳng bao lâu sau khi nhập cung, cô vui mừng phát hiện mình đã mang thai. Đến kỳ hạn, cô sinh được một vị hoàng tử, đặt tên là Mậu Hợp. Đây là hoàng tử đầu tiên của Tuyên Tông. Vị vua trẻ rất đỗi hân hoan, phong đứa trẻ làm thái tử. Khỏi phải nói, phi tần họ Bùi sung sướng đến nhường nào.

Năm 1564, khi Mạc Mậu Hợp vừa tròn 1 tuổi thì Tuyên Tông bỗng mắc bệnh nặng từ trần. Lúc ấy, Bùi cung phi trên dưới 20 tuổi. Mạc Mậu Hợp lên kế vị. Bùi cung phi được phong làm thái hậu. Mạc Kính Điển tiếp tục làm đại thần phụ chính. Sau nỗi đau mất chồng, Bùi thái hậu cũng dần vui hưởng cuộc sống nhàn nhã, uy nghi trong thân phận mới. Bà không phải buông rèm nhiếp chính. Mọi việc nước đã có Mạc Kính Điển lo.

Năm 1580, Mạc Kính Điển mất, Mạc Mậu Hợp đã 17 tuổi, có thể tự đảm đương việc nước. Nhưng đã quen vô tư hưởng thụ, Mậu Hợp phong em trai Mạc Kính Điển là Đôn Nhượng làm phụ chính, kế tục nhiệm vụ của anh trai. Có Đôn Nhượng rồi, Mạc Mậu Hợp chẳng mấy bận tâm triều chính nữa, đêm ngày ra sức ăn chơi, mê đắm tửu sắc.Chẳng ngờ, Mạc Đôn Nhượng là người kém tài, từ ngày chấp chưởng triều chính, bên trong thì để cho chính sự ngày một rối ren, bên ngoài thì bị quân nhà Lê liên tục tấn công. Ngày tàn của họ Mạc đang đến gần.

Cuối năm 1592, quân Lê phát động cuộc tấn công đại quy mô. Mạc Mậu Hợp cũng điều binh quyết một trận ăn thua. Kết cục, quân Mạc đại bại, kinh thành Thăng Long thất thủ. Mạc Mậu Hợp chạy trốn. Hoàng gia cùng bá quan tan tác. Bùi thái hậu và một người con trai Mậu Hợp cùng tùy tùng cũng xiêu dạt, long đong ẩn nấp trong dân. Một thời gian sau, Mạc Mậu Hợp bị quân Lê bắt và xử tử. Bùi thái hậu hay tin vô cùng đau đớn. Cơ nghiệp triều Mạc gây dựng từ năm 1527 đến đây sụp đổ. Tuy vậy, không phải vì thế mà bà trở thành người bi lụy, ngược lại, bà vẫn biết ẩn nhẫn chịu đựng, cùng những người thân cận mưu tính kế sách khôi phục vương triều.

Bùi thái hậu biết cách giấu mình, nhân khi quân nhà Lê còn mải mê đánh dẹp những người ủng hộ nhà Mạc ở nhiều nơi để ngấm ngầm chiêu tập lực lượng, chờ cơ hội vùng dậy. 7 năm sau, cơ hội ấy đã đến vào tháng 6-1600, do nội bộ có loạn lớn, vua nhà Lê phải bỏ thành Thăng Long rút về Thanh Hóa. Các thế lực tàn dư họ Mạc liền trỗi dậy. Bùi thái hậu nhân thế bèn đem toàn bộ lực lượng ra chiếm giữ Thăng Long. Bà tự xưng Quốc Mẫu, xuống lệnh chiêu tập các quan chức cũ, ban thưởng cho những người dưới quyền. Bà cho đón Mạc Kính Cung (con trai Mạc Kính Điển, đang cầm đầu một lực lượng khá mạnh) lập làm hoàng đế. Trong một thời gian ngắn, triều Mạc được khôi phục, có đủ ngôi vua, kinh đô, văn võ triều thần với lực lượng binh lính đến vài vạn người.

Nhưng việc đời nhiều khi không thể lường trước. 2 tháng sau, quân đội nhà Lê ồ ạt kéo ra. Quân Mạc khá đông nhưng là đội quân mới tập hợp, khả năng chiến đấu kém nên bị đẩy lùi nhanh chóng. Quân Lê tiến vây thành Thăng Long, tấn công thành quyết liệt. Thành thất thủ, Mạc Kính Cung nhanh chân chạy thoát. Bùi thái hậu bị bắt và bị giết chết ngay sau đó. Sau khi bà chết, lực lượng còn lại của họ Mạc rút lên Cao Bằng, yên vị tại đó cho đến năm 1677 thì bị nhà Lê tiêu diệt hẳn.

Lời bàn:

Tháng 6-1527, khi Mạc Đăng Dung giết vua Lê Cung Hoàng để cướp ngôi, nhiều quan lại đã tử tiết để phản đối. Thậm chí có người nhổ vào mặt, có người lại lấy nghiên mực ném vào mặt Mạc Đăng Dung, hay chửi mắng. Có người thì khởi binh phù Lê, có người theo vua Lê không kịp, nhảy xuống sông mà chết, người quay đầu về Lam Sơn bái lạy rồi tự tử. Và với những người còn sống thì sau này cũng đều bị Mạc Đăng Dung sát hại. Như vậy, triều đình nhà Mạc khi ấy chẳng còn ai ngoài tay chân của Mạc Đăng Dung, mà trong số đó toàn kẻ a dua ăn theo, bất tài vô dụng.

Hơn thế nữa, mặc dù có được ngôi báu, nhưng lòng người Đại Việt khi ấy vẫn còn hướng về nhà Lê - một triều đại đã đạt được đỉnh cao trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc... và đặc biệt là đã bảo toàn vĩnh viễn nền độc lập của dân tộc khỏi sự cai trị của người phương Bắc kể từ đó về sau. Thế mới biết, một khi “danh đã không chính thì ngôn không thuận”, mà ngôn không thuận thì nói chẳng ai nghe. Là vua nhưng lại chẳng có quan, cũng không có dân thì khác nào ông vua không có ngai vàng. Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến kết cục bi thảm của nhà Mạc trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

N.D

  • Từ khóa
110218

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu