Thứ 5, 09/05/2024 06:47:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:34, 18/07/2019 GMT+7

Vụ án bát canh lươn

Thứ 5, 18/07/2019 | 15:34:00 428 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Bùi Cầm Hổ sinh năm 1390, mất năm 1483. Ông làm quan dưới thời Lê sơ, làm việc cho vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông. Ông nổi bật với những lần đi sứ sang nhà Minh và với việc ngay thẳng can gián giúp vua Lê Thái Tông... Bùi Cầm Hổ người làng Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc, nay là thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1433, tức 6 năm sau khi Lê Lợi chiến thắng quân Minh, ông cùng các bồi thần Nguyễn Khả Chi, Trình Thuấn Du được triều đình giao đi sứ sang nhà Minh.

Đến triều vua Lê Thái Tông, Bùi Cầm Hổ làm chức Ngự sử trung thừa - một chức quan can gián giúp việc cho hoàng đế. Vua Thái Tông lúc còn nhỏ, Đại Tư đồ Lê Sát làm phụ chính, chuyên quyền trị nước. Các vị quan Trình Hoàng Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư trước có công về phe với Lê Sát vu cáo Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn, sau vua Thái Tổ đã có lệnh cấm những người đó tham dự triều chính và không được tố cáo nhưng Lê Sát vẫn cố tiến cử với Thái Tông. Lúc đó Bùi Cầm Hổ và Nguyễn Thiên Tích đã thẳng thắn can vua Thái Tông nên theo lời di huấn của cha. Vua Thái Tông nghe theo, cương quyết giữ phép tắc của Lê Thái Tổ, không phục chức cho mấy người đó. Vì thế, ông bị tội, đổi ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn.

Đại tư đồ Lê Sát bị vua Lê Thái Tông phạt tội, ông được triệu về kinh đô làm Ngự sử trung thừa. Nhà vua muốn chém đầu Lê Sát nhưng ông khuyên nên cho Lê Sát được tự tử tại nhà, vua đồng ý. Vua Lê Thái Tông muốn Lê Đổ làm Chính sự viện đồng tham nghị, muốn Lương Đăng làm Đô giám trung thừa và lấy 12 người làm cục quan tác, Bùi Cầm Hổ đều khuyên không nên nhưng nhà vua không nghe. Vì những việc can ngăn này, Bùi Cầm Hổ bị giáng hai tư.

Mùa đông năm 1438, Bùi Cầm Hổ được sung chức Phó sứ sang nhà Minh về việc biên giới. Năm 1449, Đại Việt hạn hán, nhà vua sai Bùi Cầm Hổ đi cầu đảo ở núi Tản Viên và Tam Đảo, việc không ứng nghiệm. Đầu niên hiệu Thái Hòa, đời vua Nhân Tông, ông kiêm làm Đồng tri Tây đạo, trải làm Tham tri chính sự. Từ nhỏ, ông đã là người nổi tiếng có tài. Ông đã phá được vụ án bát canh lươn khi chưa bước chân vào chốn quan trường. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, lúc đến tuổi theo đòi nghiên bút, Bùi Cầm Hổ dời quê nhà ra đất kinh kỳ Thăng Long để “tầm sư học đạo”.

Ngày ấy, ở Thăng Long có một lái buôn làm ăn xa lâu ngày về nhà. Người vợ gặp chồng mừng vui khôn xiết, bèn mua lươn nấu canh cho chồng ăn. Ngờ đâu, người chồng vừa thưởng thức xong đã lăn đùng ra chết không kịp trăng trối. Người vợ đâu biết rằng lươn chị mua về là loài rắn độc vẻ ngoài có sắc vàng giống như lươn, khiến người ta dễ nhầm lẫn. Thân quyến nhà chồng không biết việc ấy, ngờ rằng cô vợ ngoại tình, sợ chồng phát hiện nên ra tay hãm hại. Do đó, họ thưa kiện lên quan hữu ty. Thế rồi người vợ bị tống giam chờ ngày xét xử.

Vụ án ấy người khắp nơi kể cho nhau nghe. Bùi Cầm Hổ biết sự vụ, lại xuất thân con nhà nông tang, hiểu biết về những loài bò sát có độc hoặc làm thực phẩm được nơi đồng ruộng, ngờ rằng có sự khuất tất ở mấy con lươn, nên nói với bạn đồng môn: Án này, nếu tôi là pháp ty, ắt xử ra.

Lời của thư sinh họ Bùi đến tai quan hữu ty. Đang rối như canh hẹ không biết làm sao cho tỏ vụ án, quan hữu ty lập tức vời ông đến. Khi được tham vấn, Bùi Cầm Hổ xin cho người đến các chợ nơi kinh thành, tìm mua loại lươn sắc vàng lẫn đen mà cổ có chấm lốm đốm, lại hay ngóc đầu lên ba đến bốn tấc thì mua đem về nấu canh và xin cho tử tù ăn.

Nghe lời ông, việc ấy được đem thực thi ngay. Canh lươn ấy nấu xong, đem cho các tử tù dùng. Các tử tù vừa nuốt xong canh, mắt đã trợn trừng chết ngay. Quan tòa biết người góa phụ kia bất đắc dĩ bị oan khiên vì nhầm lẫn lươn với rắn độc nên tha bổng. Còn Bùi Cầm Hổ nhờ phá được vụ án hóc búa nên được tiến triều làm quan, mà riêng ông, đã cứu được một người hoặc suýt bị tù, hoặc suýt bị xử tử oan.

Lời bàn:

Người xưa vẫn thường nói “Trong cái khó sẽ ló cái khôn”. Vâng, chính trong cái khó, với những ai thông minh, nhanh nhẹn, am tường thì cái khôn được bộc lộ. Và thực tế đã chứng minh rằng, bản chất của một sự vật, hiện tượng chỉ được bộc lộ trong tình huống éo le, khó khăn nhất. Tuy nhiên, muốn được như vậy thì chúng ta phải có cái nhìn lạc quan, tích cực, tin tưởng vào thực tế, vào sức mạnh và năng lực bản thân. Không ai có thể chắc chắn mình tài giỏi, thông minh, mạnh mẽ và bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, nhưng nếu luôn run sợ, hèn nhát đầu hàng thì sẽ thất bại.

Và cái cốt yếu mà người xưa muốn nhấn mạnh qua câu nói trên là trước tình huống khó khăn, cần phải biết lạc quan, tin tưởng vào bản thân. Trong lĩnh vực điều tra phá án hình sự bao giờ cũng đầy rẫy khó khăn, phức tạp, thế nhưng cha ông ta đã không quản ngại khó khăn, hạn chế về kiến thức, phương tiện mà luôn biết “tùy cơ ứng biến”. Ngoài những phương tiện thông thường để điều tra, xét hỏi, họ còn rất linh hoạt, vận dụng tài trí, sự sáng tạo, nhanh nhạy và đặc biệt là biết vận dụng kinh nghiệm sống của bản thân để từ đó nhiều vụ án tưởng chừng bế tắc nhưng lại được đưa ra ánh sáng. Và giai thoại về Bùi Cầm Hổ với vụ án bát canh lươn là một ví dụ.

N.D

  • Từ khóa
110206

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu