Thứ 5, 09/05/2024 07:22:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:29, 29/06/2019 GMT+7

“Nhẫn nhục” cứu nước

Thứ 7, 29/06/2019 | 14:29:00 390 lượt xem

BP - Mạc Đăng Dung quê làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (Hải Dương) là cháu 7 đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (Tể tướng) thời Trần. Mạc Đăng Dung bước vào đường quan lộ sau khi thi đậu võ trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại giảng võ đường ở Thăng Long dưới triều Lê Uy Mục. Từ một võ quan cấp thấp, nhờ tài thao lược và mưu trí, Mạc Đăng Dung đã vươn tới tột bậc quyền lực vào năm 1527, khi được thăng tới chức Thái sư, tước An Hưng vương thời vua Lê Cung Hoàng.

Để tránh chiến tranh, Mạc Đăng Dung phải tự trói mình để đến gặp sứ giặc. Đó chính là sách lược ngoại giao nhẫn nhục có một không hai của nhà Mạc. Khi lật đổ nhà Lê để tiếm ngôi, Mạc Đăng Dung đã lo rồi sẽ bị nhà Minh ở phương Bắc làm khó dễ. Quả nhiên, không ngoài dự liệu. Nguyễn Kim tìm được người dòng dõi nhà Lê dựng lên làm vua, lập tức cho người theo đường biển lên phương Bắc tố cáo họ Mạc cướp ngôi, nhờ nhà Minh đem quân sang hỏi tội.

Được tin, Mạc Đăng Dung liền cử Phạm Chính Nghị mang thư sang Vân Nam biện bạch. Trong thư, Mạc Đăng Dung giải thích rõ con cháu nhà Lê đã không còn, Mạc Đăng Dung là người có công phò tá nhà Lê, nay tạm thay quyền. Còn Lê Ninh là người không rõ lai lịch, được Nguyễn Kim đưa lên làm vua chỉ là giả trá. Kèm theo bức thư, Mạc Đăng Dung dùng rất nhiều vàng bạc đút lót, mua chuộc bọn quan lại Vân Nam để chúng tâu lên triều đình nhà Minh với những lời có lợi cho mình.

Chuyện này tạm yên được gần chục năm, cho phép nhà Mạc có điều kiện ổn định đất nước. Song vua Thế Tông nhà Minh vẫn không từ bỏ dã tâm lấy đấy làm cớ đem quân xâm chiếm nước ta. Sở dĩ ông còn chưa động thủ vì có rất nhiều quan lại dâng sớ can ngăn. Quan thị lang bộ Hộ nêu 7 điều không nên đánh An Nam, cho rằng các đời vua trước chưa bao giờ thắng lợi, kể từ thời Mã Viện đến đời Minh Thái Tông. Thị lang Phan Trần thì phân giải: Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê cũng như nhà Lê cướp ngôi nhà Trần vậy. Nếu Đăng Dung chịu dâng biểu nộp cống thì coi như được.

Sở dĩ có tâm lý này vì dư âm cuộc chiến thắng quân Minh của Lê Lợi thuở nào vẫn còn ám ảnh ở phương Bắc. Nhưng mộng xâm lăng của chúng đâu dễ từ bỏ. Năm 1541, vua Minh cử Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Mao Bá Ôn làm Tham tán quân vụ lo việc tiến đánh nước ta. Các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây phải lập tức cung ứng lương thảo cho quân đội... Viên tướng Trương Nhạc trấn giữ Châu Liêm truyền yêu sách đòi Mạc Đăng Dung phải đích thân tới cửa quan, nộp đất dựng mốc, từ bỏ đế hiệu, chịu tiến cống...

Bấy giờ Mạc Đăng Dung đã có tuổi, con là Đăng Doanh lên ngôi vừa mới mất, cháu hơn 1 tuổi được đặt lên ngai. Nếu chiến tranh nổ ra, không chỉ triều đại do ông lập ra bị sụp đổ, mà đất nước cũng sẽ mất, nhân dân lại trở về kiếp nô lệ như thời nhà Hồ khi trước. Phải tìm mọi cách thoát được cuộc chiến tranh xâm lược này. Mạc Đăng Dung biết được rằng nhiều quan lại nhà Minh và ngay cả Mao Bá Ôn được lệnh đem quân đi đánh nhưng vẫn có thái độ chùng chình. Cân nhắc kỹ từng yêu sách của chúng đưa ra, ông quyết định trước mắt phải chịu nhịn nhục đã.

Mạc Đăng Dung cùng một số cận thần lên đường đến trấn Nam Quan. Lúc này, ông đã trạc lục tuần, gánh nặng quốc gia càng khiến ông trông già sọm. Song Mạc Đăng Dung đành nuốt nước mắt, tự trói mình đến gặp sứ giặc. Ông lựa theo yêu cầu của chúng, không xưng đế nữa, nghĩ bụng cốt sao mình vẫn làm chủ đất nước và dân mình được yên. Chúng đòi trả mấy động mà Nùng Chí Cao đã chiếm của nhà Tống từ thời nhà Lý, ông thấy cũng chấp nhận được, miễn là chúng không đòi hỏi thêm đất đai của ta. Chuyện cống nạp trước nay vẫn vậy. Còn việc dùng lịch Tàu, các triều đại trước có thời cũng từng theo ngày Sóc, ngày Vọng do họ tính toán, nay cứ tạm coi như mượn dùng lại vậy.

Lời bàn:

“Quân quyền thần thụ” nghĩa là người lên làm vua là do mệnh trời quyết định, cho nên bất cứ triều đại nào đều phải được công nhận là chính thống thì mới lâu dài được. Tuy nhiên, nhà Mạc lại không tuân theo quy luật ấy, mà đường hoàng đánh bại các đối thủ chính trị rồi đăng quang cai trị gần 150 năm (trong đó có 66 năm ngự ở Thăng Long với 5 đời vua). Và xuất thân hàn vi, lập thân bằng đường binh nghiệp, Mạc Đăng Dung là người có công đầu trong việc tạo lập lại thế ổn định và đà phát triển của xã hội cũng như chính trường sau hơn 20 năm hỗn loạn vào đầu thế kỷ XVI.  

Mạc Đăng Dung còn được các sử gia sau này đánh giá cao ở cách đối nhân xử thế. Khi Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê Sơ để lên ngôi, ông đã không thi hành một cuộc tàn sát hay tắm máu nào đối với con cháu nhà Lê và những người trung thành với cựu triều như cách mà các nhà Lý, Trần, Hồ đã làm khi chiếm ngôi báu. Với nội dung của giai thoại nêu trên đã chứng minh ông là người có tấm lòng vì dân, vì nước, chứ không phải vì ngai vàng. Điều này cho thấy rất rõ rằng Mạc Đăng Dung là vị vua chân chính lên ngôi bằng chính tài thao lược và trí dũng vô song của mình, chứ không phải như những lời nhận xét về ông của các sử gia phong kiến thời xưa.

N.D​​​​​​​

  • Từ khóa
110198

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu