Thứ 4, 08/05/2024 17:41:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:02, 25/06/2019 GMT+7

Con kẻ ăn mày làm vua

Thứ 3, 25/06/2019 | 16:02:00 315 lượt xem

BP - Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có chuyện kỳ về vua Lê Thái Tổ - vị vua khai sáng triều Hậu Lê, với việc lập con của một người ăn mày lên làm vua. Theo một số giai thoại còn lưu truyền đến ngày nay, lúc bấy giờ vào giai đoạn cuối thời thuộc nhà Minh. Khi đó, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn liên tiếp giành nhiều chiến thắng quan trọng trên các chiến trường, thành lũy của giặc Minh bị thất thủ khắp nơi, về cơ bản, khi đó toàn bộ lãnh thổ nước Đại Việt đã được giải phóng, quân xâm lược nhà Minh chỉ còn sức co cụm ở một số tòa thành lớn mà thôi.

Trước tình thế này, tên Tổng binh Vương Thông tìm cách kéo dài thời gian để chờ viện binh sang cứu bèn vờ cách giảng hòa, đề nghị lập con cháu nhà Trần làm vua và xin bãi binh. Vương Thông dựa vào tờ chiếu của vua Minh ban ra năm Đinh Hợi (1407) khi đem quân xâm lược nước ta với danh nghĩa “phù Trần diệt họ Hồ”, rồi đề nghị tướng lĩnh Lam Sơn tìm lập con cháu họ Trần lên ngôi. Với chủ trương giải phóng đất nước ít tốn xương máu nhất, Lê Lợi đã lập Trần Cảo lên làm vua vào tháng 11-1426. Về việc này, trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết:

Mùa Đông, tháng 11-1426, Lê Lợi tìm được Trần Cảo rồi lập lên làm vua. Trước đó, có người tên Hồ Ông, là con của một người xin ăn, trốn theo Cầm Quý, giả xưng con cháu họ Trần. Bấy giờ người trong nước khổ về chính lệnh hà khắc của giặc, mong có người làm chủ, mà vua thì gấp việc diệt giặc cứu dân nên sai người đón lập Cảo cho xong việc, mà cũng là để muốn mượn cớ trả lời nhà Minh để họ tin. Đặt niên hiệu là Thiên Khánh, sai Tả bộc xạ Lê Quốc Hưng dạy cho, nhưng thực ra là để coi giữ. Cảo trước đóng dinh ở núi Không Lộ (nay thuộc huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội).

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép” tên của vị “vua” này là Trần Cao chứ không phải Trần Cảo. Thân thế Trần Cao không rõ quê quán ở đâu, sinh năm nào, chỉ biết rằng khi Lê Lợi sai người tìm con cháu nhà Trần, gặp lúc Hồ Ông lánh nạn ở châu Ngọc Ma, tự xưng là Trần Du cháu 3 đời của vua Trần Nghệ Tông và được tù trưởng châu này là Cầm Quý tiến cử nên bèn đón về lập làm vua.

Sau khi đánh bại 20 vạn viện binh do Mộc Thạch, Liễu Thăng chỉ huy vào cuối năm 1427, để vớt vát thể diện cho nhà Minh, vừa tránh thêm đổ máu nên đứng danh nghĩa của Trần Cảo, Lê Lợi đã sai mang lễ vật và biểu cầu phong đến đô thành Yên Kinh. Vua nhà Minh Tuyên Tông xem biểu biết rằng giả dối, nhưng cũng muốn nhân đó để thôi việc binh đao, quần thần cũng đều xin nên hòa, vì thế vua Minh sai Công bộ Thượng thư La Nhữ Kính và Từ Vĩnh Đạt mang chiếu sang phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương và lệnh rút quân về nước.

Cũng kể từ đây, vai trò của ông vua Trần Cảo coi như kết thúc và số phận của nhân vật này đã được định đoạt nhưng sách sử ghi chép rất khác nhau. Trong bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết nhiều giả thuyết: Ngày mồng 10 tháng giêng năm 1428, Trần Cảo uống thuốc độc chết. Bấy giờ các quan đều dâng sớ nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người, nên sớm trừ đi. Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu. Cảo biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An), quan quân đuổi theo đưa về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết.

Lại có giả thuyết nói rằng: Trước đây, sau khi lập Cảo, vua cho Cảo đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời sang Ninh Giang. Đến năm này, chuyển về thành Cổ Lộng. Cảo tự nghĩ là không thể có 2 mặt trời, nước không thể có 2 vua, mình không có công gì với thiên hạ mà ở ngôi tôn, nếu không sớm liệu, sợ nỗi hối hận sau này, rồi ngầm đi thuyền ra biển mà chết. Sau khi Trần Cảo chết, Lê Lợi cho làm tang lễ rất hậu theo nghi thức của một vị vua. Theo ghi chép của sử nhà Minh, Lê Lợi báo với triều Minh rằng Trần Cảo bị bệnh mà chết vào ngày 10 tháng giêng năm 1428.

Lời bàn:

Không có Lê Lợi, không có phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng Lê Lợi không chỉ là người nhen nhóm, tạo lập ra tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn mà ông còn là nhà chỉ đạo chiến lược kiệt xuất, là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại. Nét đặc sắc, mới mẻ trong đường lối chỉ đạo cuộc kháng chiến mà Lê Lợi thực hiện là dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Đoàn kết nhân dân, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức chiến đấu, rồi từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc.

Vừa là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết, Lê Lợi đã vận dụng lối đánh “vây thành diệt viện”, đồng thời kết hợp với chủ trương “mưu phạt nhị tâm công”, uy hiếp, phân hóa, chiêu dụ địch của Nguyễn Trãi tạo nên một phương thức độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Lê Lợi còn thực thi chính sách ngoại giao mềm mỏng theo kiểu “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Và việc đưa Trần Cảo lên ngôi trong giai thoại này là một minh chứng. Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến tranh và ngoại giao của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, đã để lại kinh nghiệm lịch sử quý giá cho hậu thế trong công cuộc bảo vệ đất nước ngày nay.  

N.D

  • Từ khóa
110196

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu